Gay go cuộc chiến chống thuốc giả

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 2 tỷ người trên thế giới thiếu khả năng tiếp cận với các loại thuốc điều trị bệnh, vaccine, thiết bị y tế và sản phẩm y tế khác. Điều này tạo cơ hội để các sản phẩm kém chất lượng và giả mạo thay thế, nghiêm trọng nhất là thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Nhân viên hải quan Mỹ kiểm tra lô thuốc giả nhập cảnh tại sân bay J.F. Kennedy, New York

Nhân viên hải quan Mỹ kiểm tra lô thuốc giả nhập cảnh tại sân bay J.F. Kennedy, New York

Thuốc giả, kém chất lượng có mặt khắp nơi

Theo WHO, vấn đề này đang gia tăng khi các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp, có nghĩa là thuốc được sản xuất ở một quốc gia có thể được đóng gói ở quốc gia thứ hai và phân phối, bán cho người tiêu dùng tại nhiều quốc gia khác. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng làm tăng nhanh việc lưu hành thuốc giả, kém chất lượng khi việc mua thuốc trực tuyến dễ dàng hơn, thường từ các nguồn không được phép. WHO xác định đây là một trong những thách thức y tế cấp bách trong thập kỷ tới do hơn 1/10 loại thuốc ở các nước thu nhập thấp và trung bình không đạt tiêu chuẩn hoặc bị làm giả.

WHO đã nhận được báo cáo về các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, bị làm giả từ tất cả khu vực trên thế giới và các nước thành viên. Hầu như các loại thuốc đều có thể bị làm giả, từ sản phẩm rất đắt tiền dành cho bệnh ung thư đến sản phẩm rẻ tiền điều trị đau nhức. Các quốc gia thành viên của WHO đã nhất trí về một chiến lược toàn cầu tập trung vào phòng ngừa, phát hiện và ứng phó, tăng cường khả năng tiếp cận các sản phẩm y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả và chất lượng.

Cảnh báo về thuốc giả mới nhất của WHO đưa ra đầu tháng 11 là các sản phẩm được Cơ quan Quản lý y tế quốc gia Indonesia (Badan POM) báo cáo lên WHO. Đó là 8 loại gồm syrup Termorex (chỉ có lô AUG22A06), syrup Flurin DMP, syrup Unibebi Cough, thuốc giảm đau Unibebi Demam Paracetamol, syrup Unibebi Demam Paracetamol, thuốc nhỏ giọt Paracetamol (do PT Afi Farma sản xuất), syrup Paracetamol (bạc hà, do PT Afi Farma sản xuất) và syrup Vipcol.

Các sản phẩm này chứa một lượng chất ethylene glycol và diethylene glycol, đã được cơ quan chức năng ở Indonesia xác nhận qua phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm. Các sản phẩm này được xác định có ở Indonesia và có thể xuất hiện ở quốc gia khác, phân phối thông qua thị trường không chính thức. Các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn được đề cập trên không an toàn và khi sử dụng, đặc biệt là với trẻ em. Độc tố của các loại thuốc này gây các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón, đau đầu, thay đổi trạng thái tinh thần và chấn thương thận cấp tính... có thể dẫn đến tử vong. WHO yêu cầu tăng cường giám sát trong chuỗi cung ứng của các quốc gia và khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm này.

Chuỗi cung ứng thuốc vô cùng phức tạp và dễ có cơ hội cho hàng giả xâm nhập. Phần dễ bị làm giả đầu tiên là nguyên liệu thô dùng sản xuất thuốc, có thể đến từ nhiều nguồn. Sau khi được sản xuất, thuốc sẽ chuyển đến một loạt các nhà phân phối bán buôn. Sau đó, được chuyển đến các hiệu thuốc cộng đồng, chợ trực tuyến, bệnh viện hoặc cơ sở y tế, mỗi nơi đều có nguy cơ bị hàng giả xâm nhập. Hệ thống sản xuất và phân phối thuốc toàn cầu có quy mô khổng lồ, bao gồm hàng trăm công ty và hàng triệu sản phẩm, đặt ra thách thức to lớn cho việc ngăn chặn thuốc giả, kém chất lượng.

Hành động

Từ năm 2013, WHO đã khởi động Hệ thống kiểm tra giám sát toàn cầu (SMS) nhằm khuyến khích các quốc gia báo cáo sự cố của sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn. SMS bao gồm hỗ trợ kỹ thuật trong trường hợp khẩn cấp, liên kết các sự cố giữa quốc gia và khu vực, đưa ra cảnh báo về sản phẩm y tế. Sau đó, WHO thu thập bằng chứng để xác định chính xác hơn phạm vi, quy mô và tác hại do các sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn và giả mạo gây ra, xác định lỗ hổng cần khắc phục trong hệ thống phân phối sản phẩm y tế.

WHO đã đào tạo một mạng lưới toàn cầu với hơn 550 nhân viên quản lý tại 141 quốc gia thành viên để báo cáo các sản phẩm y tế không đạt tiêu chuẩn và giả mạo cho SMS. WHO đã làm việc với 18 cơ quan mua sắm quốc tế lớn nhất toàn cầu về y tế. SMS cho phép phản ứng nhanh với trường hợp khẩn cấp và đưa ra cảnh báo những trường hợp nghiêm trọng nhất. WHO cũng tạo điều kiện phân tích chuyên sâu về các sản phẩm y tế có nguy cơ cao nhất, các điểm yếu và dễ bị tổn thương trong hệ thống y tế, tác hại gây ra cho sức khỏe cộng đồng; nhu cầu đầu tư, đào tạo, các quy định và tiêu chuẩn mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh WHO, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) gần đây đã mở chiến dịch truy quét thuốc giả, thuốc kém chất lượng với 94 quốc gia thành viên Interpol tham gia nhắm vào các mạng lưới bán thuốc trực tuyến. Chỉ trong một tuần, đã có hơn 7.800 vụ thu giữ các loại thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe bất hợp pháp, giả nhãn hiệu bị thu giữ.

Tổng cộng, hơn 3 triệu sản phẩm riêng lẻ đã bị tịch thu, trị giá lên đến 11 triệu USD. Interpol tuyên chiến chống nạn buôn bán thuốc giả trên toàn cầu kể từ năm 2008. Việc buôn bán bất hợp pháp này cũng tác động đến các nhà nghiên cứu và sản xuất thuốc chính hãng. Theo các chuyên gia kinh tế, giả sử thị trường thuốc giả là 200 tỷ USD, các công ty dược không đủ điều kiện tài chính để đưa 13 loại thuốc mới ra thị trường. Tổn thất tài chính có thể dẫn đến thu hẹp doanh thu, không có khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong tương lai.

Bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn toàn cầu GS1 để nhận dạng và truy xuất nguồn gốc, việc phát hiện thuốc bất hợp pháp sẽ trở nên đơn giản như quét mã vạch. GS1 là tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi nhất để xác định và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. Hơn 70 quy định về truy xuất nguồn gốc thuốc ngày nay dựa trên tiêu chuẩn này để đảm bảo sự hài hòa và khả năng tương tác toàn cầu nhằm cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và an toàn cho bệnh nhân.

HUY QUỐC tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//gay-go-cuoc-chien-chong-thuoc-gia-854474.html