Gây khó cho sinh viên nếu quy định làm thêm không quá 20 giờ/tuần
Theo nhiều chuyên gia, nếu quy định sinh viên làm thêm tối đa 20 giờ/tuần, không ít sinh viên sẽ gặp khó khăn về chi phí sinh hoạt, học phí, khi đó việc giải bài toán áp lực kinh tế của sinh viên thế nào cũng là vấn đề cần đặt ra.
Bộ LĐ-TB-XH vừa có dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có đề xuất quy định thời gian làm thêm tối đa của sinh viên không quá 20 giờ/tuần khi đang trong học kỳ và không quá 48 giờ/tuần trong thời gian nghỉ. Đồng thời Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất các cơ sở giáo dục quản lý giờ làm thêm của sinh viên.
Trao đổi về nội dung này, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đặng Văn Ngữ cho rằng, quy định này nhằm định hướng, giúp sinh viên cân đối giữa thời gian học tập và làm thêm, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học.
Tuy nhiên TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên cho rằng, thực tế khá nhiều sinh viên có nhu cầu làm thêm để trang trải những khoản chi phí học tập, sinh hoạt. Việc giao cho các trường quản lý giờ làm thêm của sinh viên lại rất khó khả thi. Thay vào đó, cô Liên cho rằng, các trường nên chú trọng vào việc hỗ trợ việc làm cho sinh viên, đặc biệt là những công việc gần, đúng với chuyên ngành, giúp các em vừa có thêm thu nhập, vừa có thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn khi làm thêm. Nếu không giải quyết được bài toán về chi phí học tập, áp lực kinh tế cho sinh viên, thì quy định cứng số giờ làm thêm sẽ khiến nhiều em loay hoay, thậm chí gặp nhiều khó khăn khi theo học.
“Với đặc thù của sinh viên ngành Y như Trường Cao đẳng Đặng Văn Ngữ, sinh viên vừa học tập tại trường, vừa thực hành tại bệnh viên nên các em phải rất nỗ lực khi muốn đi làm thêm, mặt khác sinh viên chưa thể làm thêm đúng ngành khi đang theo học vì chưa có chứng chỉ hành nghề. Do đó, thực tế làm thêm, sinh viên thường làm những công việc trái ngành, phổ thông như bán hàng, làm thêm tại các quán ăn, quán cà phê… Một số ngành đào tạo đặc thù như ngành y, quá trình học tập các em phải thực sự cố gắng và tập trung cao độ, nếu sa đà vào những công việc làm thêm không đúng với ngành học sẽ rất dễ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nếu có quy định về giờ làm thêm, song song đó cần quan tâm đến các chính sách hỗ trợ sinh viên như học bổng, chỗ ở tại ký túc xá của trường, giúp các em giảm bớt áp lực kinh tế khi theo học, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách”, cô Liên nói.
Theo cô Liên, hiện nay hầu hết các trường đều có phương án, tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên để các em tiếp cận các công việc làm thêm như giới thiệu, kết nối với doanh nghiệp, từ đó giúp các em có thêm thu nhập, kiến thức, kinh nghiệm sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Với cách này, nhà trường cũng có thể tham gia quản lý giờ làm thêm của sinh viên và yên tâm về mức độ uy tín về cơ sở tuyển dụng. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách.
Tại Trường Cao đẳng Đặng Văn Ngữ, theo quy định của nhà nước, sinh viên được miễn giảm 70% học phí, mỗi tháng các em chỉ phải đóng khoảng gần 700.000 đồng. Bên cạnh đó, nhà trường có ký túc xá cho sinh viên với mức phí 200.000 đồng/sinh viên/tháng. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách được nhà trường xét miễn giảm tiền ở ký túc xá. Bởi vậy áp lực kinh tế với các em khi học tập tại trường không quá lớn, tạo điều kiện để sinh viên yên tâm học tập.
Còn theo cô Đặng Vân Anh, Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, thực tế vẫn có những trường hợp sinh viên vì mải mê làm thêm khiến việc học tập bị ảnh hưởng, thậm chí phải học lại, thi lại nhiều lần, chậm tốt nghiệp. Nhiều sinh viên để kiếm thêm thu nhập, các em làm thêm những công việc đơn giản như bưng bê, phục vụ ở các quán ăn, giao hàng… trong khi bản thân sinh viên đang được đào tạo bài bản về một ngành nghề nhất định. Điều này gây lãng phí nguồn lực lao động.
Do đó, cô Đặng Vân Anh cho rằng, quy định khống chế thời gian làm thêm cho sinh viên là hợp lý. Khi đó các em sẽ có sự lựa chọn kỹ lưỡng hơn khi nhận việc làm thêm. Tuy nhiên, với quy định này, cô Vân Anh băn khoăn về việc đơn vị nào sẽ quản lý giờ làm thêm của sinh viên? Về phía các cơ sở đào tạo cũng rất khó kiểm soát giờ nếu sinh viên không khai báo trung thực.
Ở một góc độ khác, cô Đặng Vân Anh đồng quan điểm cho rằng, sau khi khống chế giờ làm thêm của sinh viên, các trường cần đẩy mạnh sự kết nối với doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng để có thể hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm khi cần, hay có thêm những chính sách học bổng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập tốt hơn.
“Muốn quy định thời gian làm thêm, cũng cần quan tâm đến áp lực kinh tế của sinh viên. Bởi rất nhiều em có nhu cầu làm thêm để trang trải cuộc sống, kiếm thêm thu nhập. Như sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, các em chỉ cần khoảng 3-4 triệu đã đủ để chi phí cho học phí, sinh hoạt/tháng. Nhưng với những em theo học tại các thành phố lớn, chắc chắn mức chi phí sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó để hỗ trợ sinh viên, các trường cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nhằm giới thiệu việc làm cho sinh viên. Đặc biệt khi được làm việc đúng chuyên ngành, không chỉ giúp các em có thêm thu nhập mà còn có thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, mỗi sinh viên khi làm thêm đều có những mục đích khác nhau. Hầu hết các ca làm việc của các em đều kéo dài từ 4-6 giờ, một số sinh viên chấp nhận làm thêm không đòi hỏi lương để nâng cao tay nghề. Do đó việc quy định cứng mỗi tuần sinh viên làm thêm không quá 20 giờ cũng sẽ khiến nhiều sinh viên khó tiếp cận việc làm thêm. Theo ông Vũ Quang Thành, việc quy định giờ làm thêm cần sự chủ động, linh hoạt để sinh viên vừa đảm bảo kết quả học tập, vừa được trải nghiệm có thêm kinh nghiệm và thu nhập.