Gây thương nhớ hoa Tam giác mạch Hà Giang
Khi cái nắng hanh hao của mùa thu trải dài trên sườn núi thì cũng là lúc những dải hoa tam giác mạch bừng nở rộ núi rừng miền sơn cước Hà Giang. Hoa mọc trên đồi, trên đường đi, ở chân núi, trên đèo và thậm chí còn mọc trên cả những vách đá đầy chông gai hiểm trở. Nhờ có sắc hoa Tam giác mạch, ngay đến cả núi rừng hiểm trở cũng hóa dịu dàng.
Hoa Tam giác mạch thường bắt đầu nở vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 cho đến tháng 11. Trước đây, hoa Tam giác mạch chủ yếu được trồng để lấy hạt, làm bánh ăn dự trữ chống đói cho người dân vào mùa đông, khi mùa lúa chưa đến. Nhờ sự phát triển của du lịch mà loài hoa đẹp này đã được du khách biết tới nhiều hơn.
Bước vào giữa thu, khắp các rẻo cao vùng núi phía Bắc tỉnh Hà Giang lại tràn ngập sắc tím, sắc hồng của loài hoa Tam giác mạch với sự dân dã mọc trải dài thành cánh đồng, chênh vênh trên những phiến đá tai mèo, thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ, e ấp cuộn mình bên cung đường quốc lộ 4C.
Từ Quản Bạ, Yên Minh đến Phố Cáo, Đồng Văn, khi bạt ngàn thung lũng, lúc trải thảm, uốn lượn theo nương đồi toàn sắc tím hồng li ti khiến khung cảnh vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng, lãng mạn tựa miền cổ tích như mời gọi những kẻ lữ hành tới chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp say lòng người.
Hoa Tam giác mạch đẹp nhất khi độ sắp tàn, những cánh hoa chuyển màu từ trắng sang phớt hồng rồi đỏ thẫm - ban đầu mới nở hoa có màu trắng. Sau một tuần, những cánh hoa chuyển dần sang màu tím hoặc tím nhạt, rồi lại tiếp tục ngả dần sang hồng rồi đỏ sậm sau vài tuần nữa.
Giữa rừng hoa trùng điệp, những cô bé người dân tộc xúng xính váy áo thổ cẩm với nụ cười tỏa nắng đang vui vẻ nô đùa. Và tất nhiên, không ai nỡ bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào để lưu giữ trong máy ảnh, trong trái tim mình những khung hình đẹp đến ngỡ ngàng ấy.
Từng đóa hoa nở thành chùm, cánh hoa chụm lại thành hình chóp nón, e ấp như hình dáng yêu kiều của nàng thiếu nữ. Hoa mọc trên đồi, trên đường đi, ở chân núi, trên đèo và thậm chí còn mọc trên cả những vách đá đầy chông gai hiểm nguy. Nhờ có sắc hoa Tam Giác Mạch, ngay đến cả thiên nhiên núi rừng hiểm trở cũng hóa dịu dàng.
Để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của mùa hoa Tam giác mạch này bạn nên đến những địa điểm sau:
Ngã ba Phó Bảng
Bản Phó Bảng là một ngôi làng cổ có tuổi đời hàng trăm năm với những mái nhà mang hơi hướng Trung Hoa vô cùng đặc biệt. Cánh đồng hoa tam giác mạch nở tím cả bản làng, mỗi bước chân đều như đi trên hoa trên cỏ.
Đứng ở ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn thung lũng đẹp nhất cao nguyên đá Đồng Văn bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp Sủng Là với những ngôi nhà trình tường cổ cách đây gần 100 năm, mái đã phai màu thời gian thấp thoáng trong những cánh đồng hoa Tam giác mạch.
Làng văn hóa Lũng Cẩm (Thung lũng Sủng Là- Đồng Văn)
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, một ngôi làng xinh đẹp được lấy làm bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”. Ngôi làng hiện hữu giữa thung lũng thơ mộng với những ngôi nhà trình tường đã trên 100 năm tuổi. Những mái nhà ở đây được lợp bằng ngói âm dương. Cùng với thời gian những ngôi nhà đã tạo nên không gian yên bình cho nhiều thế hệ người Lô Lô, H’Mong…
Đặc biệt, được mệnh danh là “nơi đá cũng nở hoa”, Làng văn hóa Lũng Cẩm là nơi trồng nhiều loại hoa nhất Hà Giang. Du khách đến đây ngoài chìm đắm vào sắc hoa, còn có nhiều cơ hội trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng. Cụ thể như chợ phiên của bà con dân tộc Mông và Lô Lô vào sáng chủ nhật; trồng ngô, trồng lúa, chăn bò, dệt vải,…
Chân đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng có độ dài khoảng 20 km nằm bên sườn núi sừng sững giữa mây trời cùng với Sông Nho Quế mộng mơ uốn lượn quanh co. Dừng lại bên chân đèo, du khách có thể nhìn thấy cả một “biển trời” hoa Tam Giác Mạch. Nếu được đứng ở đỉnh đèo này mà ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống, rải một màu hồng ấm lên không gian núi rừng thì đúng là không còn gì tuyệt vời bằng. Hoa Tam Giác Mạch mang một màu hồng phớt tim tím, kết hợp với sắc đỏ hồng của mây trời khiến khung cảnh trở nên dịu dàng ấm áp, đẹp đến nao lòng.