Gây thương tích cho bạn học sẽ bị xử lý như thế nào?
Chuyên gia pháp lý nhận định, do mâu thuẫn trong cuộc sống và học tập, học sinh lớp 10 đã dùng dao gây thương tích cho bạn học có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan CSĐT CATP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi cố ý gây thương tích giữa hai học sinh của Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc.
Theo đó, khoảng 16h ngày 7/10, CATP Vĩnh Yên tiếp nhận tin báo của Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, địa chỉ phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên về việc, vào 15h cùng ngày, tại trường đã xảy ra vụ cố ý gây thương tích. Nạn nhân là cháu T.T.T (SN 2009, học sinh lớp 10A6, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, trú tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT CATP Vĩnh Yên đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai người liên quan.
Người gây thương tích cho cháu T.T.T là nữ sinh T.H.M (SN 2009, trú tại xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, học cùng lớp với nạn nhân). Trước khi xảy ra vụ việc, giữa hai học sinh T.H.M và T.T.T đã có những lời nói xấu nhau trong quá trình học tập, sinh hoạt.
Ngày 7/10, khi mâu thuẫn kéo dài không được giải quyết, dẫn tới T.H.M cầm con dao bầu đâm gây thương tích cho T.T.T. Sau đó, cháu T.T.T được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, hiện sức khỏe nạn nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bạn đọc đặt câu hỏi, việc áp dụng một số quy định của pháp luật hình sự xử lý đối với người đang ở độ tuổi vị thành niên gây án như thế nào? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định là tội phạm.
Tuy nhiên, không phải tội nào người dưới 18 tuổi cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (28 tội danh); Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Như vậy theo luật sư Đinh Thị Nguyên, người dù là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vẫn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, khi thỏa mãn hành vi quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều này. Khung hình phạt của tội danh này có mức hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 14 năm tù. Hình phạt của người phạm tội dưới 18 tuổi sẽ thấp hơn so với mức phạt quy định tại Điều luật quy định.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 101, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt tù có thời hạn với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu là phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà Điều luật quy định; trường hợp phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù.
Đối với trách nhiệm bồi thường dân sự do người chưa thành niên phạm tội thì người đại diện hợp pháp cho đối tượng sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hại.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết thêm, thời gian gần đây liên tiếp xảy những vụ việc đáng buồn xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ.
Càng xót xa hơn khi cả người bị hại và người phạm tội đều là những nữ sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Người phạm tội ở độ tuổi rất trẻ, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và nhân cách. Chính vì vậy, người phạm tội sẽ đối mặt với hình phạt mang tính giáo dục nhiều hơn là răn đe và trừng phạt, nhằm tạo điều kiện cho phát triển tương lai sau này.
“Vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo cho nhà trường và các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con cái mình. Trong trường hợp phát hiện ra những mâu thuẫn thì cần phải có những biện pháp can thiệp, ngăn chặn, giáo dục kịp thời trường hợp các em sử dụng hung khí nguy hiểm thực hiện hành vi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật” - luật sư Đinh Thị Nguyên nêu quan điểm.