Gaza: Khủng hoảng lương thực, người dân bán tài sản mua bột mì
Các bà mẹ ở Gaza đang phải vật lộn để tìm nước sạch và sữa bột cho trẻ sơ sinh. Các gia đình đang bán tài sản của mình để mua bột mì. Một số người đang ăn thức ăn chăn nuôi để tồn tại.
Tại thành phố phía bắc Beit Lahia, Mahmoud Shalabi cho biết người dân đã mang thức ăn gia súc – làm từ ngô hoặc yến mạch – đến một nhà máy để nghiền thành bột.
Anh Shalabi, 38 tuổi, có hai con đang ở độ 7 và 9 tuổi, cho biết: “Con tôi hầu như không ăn được thứ bột này, nhưng còn hơn là chết đói. Nếu bạn có thứ bột này, bạn sẽ có đồ để ăn và cho con bạn ăn”.
Theo Liên Hợp Quốc, nạn đói đã trở thành mối lo ngại chính trong thảm họa nhân đạo ở Gaza, với gần như tất cả các hộ gia đình thường xuyên không được ăn đầy đủ bữa. Trên cơ sở bình quân đầu người, Bob Kitchen thuộc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng lương thực dữ dội nhất mà tôi từng thấy. Hầu hết mọi người hiện đều đói”.
Tình trạng thiếu lương thực ở Gaza chủ yếu bắt nguồn từ lệnh phong tỏa của Israel, đặc biệt căng thẳng kể từ tháng 10/2023.
Gaza là một dải đất đông dân cư khô cằn, nơi nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu để sản xuất đủ lương thực. Trong nhiều năm, Israel đã hạn chế dòng hàng hóa vào Gaza, phần lớn là để ngăn cản Hamas tiếp cận nguồn cung cấp quân sự. Các giới hạn cũng hạn chế việc nhập khẩu thực phẩm và các mặt hàng cơ bản khác.
Sau vụ tấn công hồi tháng 10, các quan chức Israel tuyên bố rằng họ vẫn cho phép thực phẩm và các nguồn cung cấp nhân đạo khác vào khu vực này, nhưng các nhóm viện trợ đã không phân phối chúng một cách hiệu quả. Trên Twitter, chính phủ Israel gần đây đã đăng một bức ảnh về những chiếc xe tải viện trợ đang đậu ở biên giới Gaza và viết : “Hãy ngừng lan truyền những lời buộc tội và bắt đầu thực hiện công việc của mình”.
Nhiều chuyên gia nhân quyền cũng cho rằng, việc phân phối viện trợ kém hiệu quả là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu lương thực. Các chuyên gia này cho rằng Israel đã quá chậm trong việc kiểm tra nguồn cung cấp và phê duyệt cho nhập khẩu.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, chỉ có 20% - 30% những gì người dân cần đã được đưa tới Gaza. “Israel cho biết lý do là vì an ninh. Nhưng thực tế là không thể mang được lương thực vào đó”, Stephanie Nolen, người phụ trách vấn đề sức khỏe toàn cầu của The Times cho biết.
Tòa án Công lý Quốc tế có trụ sở tại Hà Lan nhận thấy rằng nhiều người dân ở Gaza “không được tiếp cận với những nhu cầu cơ bản nhất như nước uống, điện, thuốc men thiết yếu hoặc hệ thống sưởi ấm”. Tòa án ra lệnh cho Israel cho phép nhập khẩu thêm hàng hóa vào Gaza ngay lập tức, mặc dù tòa án có rất ít khả năng thực thi phán quyết.
Hồng Vân (Theo New York Times)