Gaza trước thỏa thuận ngừng bắn: Cánh cửa hòa bình có thực sự mở ra?
Sau gần 21 tháng giao tranh dữ dội tại Gaza, câu hỏi không còn là liệu có một lệnh ngừng bắn mới được thiết lập hay không, mà là thời điểm nào điều đó sẽ xảy ra.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang The Guardian (Anh), ngày 4/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng Hamas sẽ chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn mà Israel đã đồng ý - trong vòng 24 giờ tới. Thông báo chính thức dự kiến được công bố sau chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 7/7. Đây là lần thứ ba ông Netanyahu gặp ông Trump kể từ khi Tổng thống Mỹ bắt đầu nhiệm kỳ.
Nếu lệnh ngừng bắn mới được thông qua, đây sẽ là lần thứ ba một thỏa thuận ngừng bắn được áp dụng trong cuộc xung đột kéo dài, đã khiến khoảng 57.000 người Palestine thiệt mạng, gây tổn thất nặng nề, làm gia tăng bất ổn khu vực và gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế.
Đề xuất ngừng bắn
Hãng tin CNA cho biết đề xuất ngừng bắn kéo dài hai tháng đã được thảo luận kể từ khi lệnh ngừng bắn ngắn hạn trước đó sụp đổ vào tháng 3. Trước đó, các bên cũng có đề xuất tương tự vào tháng 5, nhưng Hamas cho rằng đó chỉ là khoảng thời gian tạm dừng cho phép Israel tiếp tục xung đột, chứ không phải một giải pháp hòa bình bền vững.
Theo đề xuất mới do Qatar làm trung gian, Hamas sẽ thả 10 con tin còn sống và trao trả thi thể 18 con tin đã thiệt mạng trong vòng 60 ngày. Đổi lại, Israel sẽ thả một số tù nhân Palestine. Số con tin còn lại sẽ được trả tự do nếu hai bên đạt được một thỏa thuận lâu dài. Khoảng thời gian 60 ngày cũng được dự kiến để tiến hành các cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp bền vững và xây dựng kế hoạch quản lý hậu xung đột tại Gaza.
Tuy nhiên, kế hoạch này tương tự với lệnh ngừng bắn 8 tuần ba giai đoạn được đề xuất từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, vốn đã đổ vỡ ngay sau giai đoạn đầu vì bất đồng trong việc trao đổi con tin. Kể từ đó, các vòng đàm phán hòa bình liên tiếp rơi vào bế tắc.
Những yếu tố mới và cơ hội đột phá

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống miền Bắc Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Hai bên vẫn duy trì quan điểm rất khác biệt. Với Hamas, việc ngừng bắn dài hạn đồng nghĩa với chấm dứt chiến tranh và Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza. Trong khi đó, Israel yêu cầu Hamas phải mất quyền kiểm soát vùng lãnh thổ, giải thể cánh quân sự, thu hồi vũ khí và trục xuất các lãnh đạo cao cấp.
Dù thách thức còn lớn, một số yếu tố cho thấy lần này có thể khác biệt. Cuộc “chiến tranh 12 ngày” gần đây giữa Israel và Iran, mà Israel tuyên bố đã làm suy yếu năng lực hạt nhân của Iran, đã giúp Thủ tướng Netanyahu tăng cường vị thế chính trị. Điều này có thể giúp ông thúc đẩy lệnh ngừng bắn bất chấp sự phản đối từ các nhóm cực hữu trong liên minh cầm quyền.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington DC., ngày 4/2/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Xung đột giữa Israel và Iran, với sự can thiệp của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân Tehran, cũng thúc đẩy sự can dự của Tổng thống Trump đối với khu vực Trung Đông. Khi ông Trump mới nhậm chức, các giai đoạn đàm phán ngừng bắn đã được bàn thảo, nhưng ông chưa gây đủ áp lực ngoại giao để Israel tiến tới thỏa thuận tiếp theo, khiến cuộc chiến bùng phát trở lại vào tháng 3. Hiện nay, với sự hỗ trợ quân sự Mỹ dành cho Israel trong đối đầu với Iran, ông Trump có ảnh hưởng lớn hơn trong việc tác động đến ông Netanyahu trong chuyến thăm sắp tới.
Ngoài ra, vị thế hiện nay của Iran cũng mở ra cơ hội mở rộng Hiệp định Abraham – chuỗi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab như Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco, do Mỹ làm trung gian. Thủ tướng Netanyahu cũng mong muốn có thỏa thuận do Mỹ bảo trợ với Saudi Arabia và đang tiến hành các cuộc đàm phán sơ bộ với Syria. Tuy nhiên, các tiến triển này khó có thể thực hiện nếu xung đột ở Gaza còn tiếp diễn.
Trở ngại còn đó
Bên cạnh đó, nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết. Hiện chưa rõ liệu các điều khoản đề xuất có đủ đảm bảo Israel không tái khởi động chiến tranh sau 60 ngày hay không. Hamas cũng yêu cầu thay đổi cơ chế phân phối viện trợ nhân đạo tại Gaza, hoặc ít nhất thay thế Quỹ nhân đạo Gaza (GHF) do Mỹ và Israel hậu thuẫn – tổ chức gây tranh cãi khi liên tục xảy ra sự cố khiến nhiều người thiệt mạng tại các điểm phân phối viện trợ.
Từ cuối tháng 5, ít nhất 400 người đã thiệt mạng khi tìm kiếm viện trợ gần các điểm phân phối do GHF quản lý. Diễn biến trên đã dẫn đến làn sóng kêu gọi đóng cửa quỹ này từ hơn 170 tổ chức phi chính phủ và từ thiện quốc tế.
Kiểm soát quân sự của Israel tại Gaza vẫn được thắt chặt, với hơn 80% diện tích vùng lãnh thổ bị áp lệnh di tản, bao gồm khu vực Bắc Gaza và thành phố Gaza. Các quan chức Israel cho biết các hoạt động quân sự nhằm gây áp lực để buộc Hamas chấp nhận ngừng bắn, trong khi Thủ tướng Netanyahu cũng từng công khai khả năng duy trì chiếm đóng lâu dài, nhấn mạnh Israel sẽ giữ “toàn quyền kiểm soát an ninh Gaza” ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.
Dù lệnh ngừng bắn tạm thời có thể được thiết lập, con đường tiến tới hòa bình lâu dài vẫn còn nhiều thử thách phía trước. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy cơ hội đang mở ra khi Tổng thống Trump quan tâm trở lại tới việc đạt đượcthỏa thuận ngừng bắn, còn Thủ tướng Netanyahu có cơ hội chính trị hiếm hoi để ký kết thỏa thuận và đưa các con tin trở về.
Cuộc gặp sắp tới tại Washington giữa hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực chấm dứt một trong những cuộc xung đột kéo dài và phức tạp nhất tại Trung Đông hiện nay.