GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so cùng kỳ 2024, cao nhất cùng kỳ 15 năm qua
Cùng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của nước ta đạt được kết quả tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh còn nhiều bất ổn.

Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. (Ảnh: HNV)
Sáng 5/7, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo công bố tình hình tháng 6/2025 và 6 tháng đầu năm 2025.
GDP quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so cùng kỳ 2024
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhận định, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng của các nước; gia tăng bất ổn về địa chính trị và xung đột quân sự lan rộng ở nhiều quốc gia; căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; thách thức đối với bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng... ngày càng gia tăng.
Lạm phát vẫn ở mức cao so mục tiêu của các ngân hàng Trung ương, điều kiện thị trường tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng suy giảm.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: PV)
Nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 so với dự báo đưa ra trước đó.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Thị Hương, các tổ chức quốc tế đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nước ta, cụ thể: Ngân hàng thế giới (WB) dự báo đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt 5,4%, thấp hơn 1,7 điểm phần trăm; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 6,2%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so năm 2024.
Tuy nhiên, trong nước, với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, chỉ một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy Chính phủ, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức ; triển khai các Nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân...
Báo cáo của Cục Thống kê nêu rõ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ 2024, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. (Ảnh: THU HÀ)
GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ 2024, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm 2024, đóng góp 84,20% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.
Đồng bộ các nhóm giải pháp để hoàn thành mục tiêu trong nửa cuối 2025
Tại họp báo, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Phường Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên (mới) đi vào hoạt động từ 1/7/2025. (Ảnh: CTV)
Theo Cục trưởng, các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, tình hình quốc tế, khu vực; chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Đảm bảo nguồn cung và mức giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.
Hai là, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, nhất là chính sách thuế, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Ba là, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tiếp theo của năm 2025, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh.
Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo an ninh năng lượng.
Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tăng cường thu hút khách du lịch để đạt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm là, thực hiện có hiệu quả và kịp thời các chính sách an sinh xã hội; trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.