GDP 6 tháng tăng 6,42%, thể hiện rõ hơn xu hướng phục hồi
Tại cuộc họp báo sáng 29/6, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, cao hơn mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2020, 2021 và 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022. Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Tăng trưởng quý sau tốt hơn quý trước
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.
GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, cao hơn mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2020, 2021 và 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.
“Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo” - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Trong đó, theo Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong quý II, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trên nền tăng trưởng khá thấp của cùng kỳ năm 2023 (0,86%), giá trị tăng thêm đạt 8,55% so với cùng kỳ.
Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng quý II đạt 7,07%, 6 tháng đầu năm đạt 7,34%. Việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cùng với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ quan thống kê nhận định.
Tính chung 6 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 7,54%, nhiều ngành cấp 2 có mức tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số ngành vẫn còn nhiều khó khăn, chưa hồi phục như sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 1,7%. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tăng trở lại, đảm bảo cung cấp nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, về góc độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng có mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng quý II và 6 tháng lần lượt là 6,58% và 5,78%, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 7,06% và 6,17%, tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước tăng 3,37% và 3,2%.
“Điều này cho thấy, người dân đã có nhu cầu chi tiêu về thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn, chi tiêu cơ bản cũng như chi tiêu cho các sở thích cá nhân được cởi mở hơn sau một thời gian dài chịu áp lực từ dịch Covid-19 dẫn tới thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng” - bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho biết thêm.
Nhiều yếu tố thuận lợi trong 6 tháng cuối năm
Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê cho rằng, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi thời tiết bước sang mùa mưa, tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn không còn là mối lo ngại với người sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, ngành công nghiệp và xây dựng, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, công nghiệp 6 tháng đầu năm đã có tăng trưởng đáng ghi nhận là tiền đề cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III khả quan hơn quý II với 40,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 42,2% doanh nghiệp giữ ổn định là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng tới.
Cùng với đó, ngành dịch vụ có cơ hội phát triển trong 6 tháng cuối năm khi quý III tiếp tục là mùa du lịch cao điểm, khai thác tốt hoạt động du lịch sẽ lan tỏa mạnh tới khối ngành dịch vụ thị trường. Bên cạnh đó, có những ngày nghỉ lễ kéo dài, mùa tựu trường và nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm sẽ tác động tích cực tới khối ngành dịch vụ.
Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lợi thế thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân. Một số yếu tố kích thích tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm như: chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến hết năm đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang trình Quốc hội thông qua; chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đời sống, tăng tiêu dùng và năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm./.
Xuất khẩu là động lực quan trọng cho tăng trưởng
Trong quý II, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng sôi động với mức tăng 16,39%, tính chung 6 tháng tăng trưởng 16,89%. Với kết quả này, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng trong quý II và 6 tháng đầu năm năm 2024.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5%, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 11,63 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng chủ lực chiếm tỷ trọng cao trong giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm như: mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện; Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; hàng dệt may…