GDP quý 3 của Indonesia tăng trưởng chậm hơn dự kiến

Số liệu chính thức được chính phủ Indonesia công bố ngày 6/11 cho thấy tăng trưởng GDP quý 3/2023 của nước này đạt 4,94% - chậm hơn dự kiến trước đó và đánh dấu tốc độ yếu nhất trong 2 năm trở lại đây do xuất khẩu suy giảm.

Cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Cảng Tanjung Priok ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters

Với tốc độ tăng trưởng trên, GDP quý 3 của Indonesia thấp hơn mức 5,05% được các nhà kinh tế của Reuters dự đoán và đồng thời cũng thấp hơn con số 5,17% ghi nhận được trong quý 2 trước đó. Con số mới nhất cũng chấm dứt mức tăng trưởng kinh tế trên 5% trong 7 quý liên tiếp của Indonesia.

Cụ thể, dữ liệu công bố bởi Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình, lĩnh vực vốn chiếm hơn một nửa GDP, giảm nhẹ từ ngưỡng 5,22% của quý trước xuống 5,06% trong quý 3/2023. Trong khi đó, tốc độ sụt giảm xuất khẩu trong quý 3/2023 là 4,26%, cao hơn so với mức giảm 2,97% của quý 2 trước đó.

Một điểm sáng trong cơ cấu GDP của Indonesia trong quý 3/2023 đến từ đầu tư khi lĩnh vực này ghi nhận mức tăng trưởng 5,77% so với mức tăng 4,63% của quý trước đó. Nhìn chung, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ ghi nhận kinh tế tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 do giá hàng hóa giảm, tăng trưởng toàn cầu suy yếu và lãi suất trong nước tăng.

Ngân hàng Trung ương Indonesia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia đạt từ 4,5% đến 5,3% trong năm 2023. Trong năm 2022, GDP nước này đạt 5,31% - tốc độ nhanh nhất ghi nhận được trong 9 năm với nguyên nhân tới từ giá hàng hóa tăng cao hơn do xung đột Nga - Ukraine và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tháng 10 vừa qua, ngân hàng trung ương Indonesia đã bất ngờ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 1 đầu năm trong bối cảnh đồng rupiah suy yếu làm chi phí xuất khẩu gia tăng.

Nhận định về tình hình kinh tế, Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế của Maybank Indonesia Myrdal Gunarto cho biết: “Tốc độ tăng trưởng GDP dưới 5% vẫn khá tốt, nhưng đây là lời cảnh báo cho cơ quan tiền tệ của chúng tôi không nên quá tích cực với việc tăng lãi suất”.

Về phía BPs, quyền người đứng đầu cơ quan này là bà Amalia Adininggar Widyasanti trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 6/11 đưa ra nhận định: “Giá hàng hóa giảm trên thị trường quốc tế có tác động đến sự sụt giảm giá trị xuất khẩu của các sản phẩm cao cấp của chúng tôi, nơi giá dầu cọ thô và than đá thấp hơn”.

Tuy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, bà Amalia Adininggar Widyasanti khẳng định con số này vẫn đang phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế Indonesia trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại, tác động lan rộng của El Nino và giá cả sụt giảm.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/gdp-quy-3-cua-indonesia-tang-truong-cham-hon-du-kien-post28876.html