GDP Quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm ngoái
Sáng 29/9, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội quý III/2023 và 9 tháng năm nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương cho biết: Tổng sản phẩm trong nước quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 nhưng đang có xu hướng tích cực là quý sau tăng hơn quý trước.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng cũng như kịch bản tăng trưởng quý III/2023 để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% cả năm 2023 nhưng theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê (TCTK), xu hướng tăng trưởng đã tích cực hơn (GDP quý I/2023 tăng 3,28%, quý II/2023 tăng 4,05%, quý III/2023 tăng 5,33%). Điều này cho thấy áp lực tăng trưởng quý IV/2023 sẽ rất áp lực.
Đề cập về lý do khiến tăng trưởng GDP quý III/2023 vẫn chậm, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Kinh tế 9 tháng năm 2023 đối mặt với với nhiều khó khăn khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.
“Các Tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra tại thời điểm trước đó do tăng trưởng 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ khởi sắc nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022 từ 0,1 đến 1,0 điểm phần trăm”, Tổng cục trưởng TCTK cho biết.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9/2023 và 9 tháng năm nay của TCTK, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023 , đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,87% và mức giảm 0,05% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng ảo hiểm tăng 6,91%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61%.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD).