GDP Trung Quốc: IMF hạ dự báo kinh tế, liệu còn cơ hội vượt Mỹ?

Mục tiêu cao cả của Trung Quốc là soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng bị nghi ngờ do thực tế và triển vọng tăng trưởng rất khác nhau.

Thậm chí, nhiều người còn nhận định khoảng cách kinh tế nước này xích lại gần Mỹ có thể xa cách hơn trong năm nay do đồng nhân dân tệ mất giá và dự báo kinh tế mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khiến mức tăng trưởng dự kiến của Trung Quốc vào năm 2023 từ mức 5,2% được dự đoán vào tháng 7 xuống còn 5% vào thứ Ba.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới nhất do quỹ có trụ sở tại Washington công bố cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới từ 4,8 xuống 4,2%.

 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin suy yếu. Ảnh: AFP.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin suy yếu. Ảnh: AFP.

Đổi lại, IMF đã điều chỉnh tăng ước tính cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2023 từ 1,8 lên 2,1% và từ 1 lên 1,5% cho năm 2024.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại ngày càng lớn từ cuộc khủng hoảng bất động sản và niềm tin suy yếu. Trong số các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, sự thiếu hụt tiêu dùng đặc biệt lớn ở Trung Quốc, phản ánh những hạn chế chặt chẽ đối với việc di chuyển trong cuộc khủng hoảng Covid-19”, báo cáo triển vọng cho biết.

Ông Wang Yongli, Tổng Giám đốc tại China International Futures, cho rằng sự khác biệt là do các cấu trúc và chu kỳ kinh tế khác nhau trong một báo cáo gần đây.

Ông cảnh báo rằng đại dịch Covid-19, chính sách ngăn chặn do Mỹ dẫn đầu và nợ của chính quyền địa phương đang tạo ra những thách thức phức tạp hơn nữa đối với Trung Quốc, dẫn đến đầu tư và xuất khẩu yếu kém.

Tuy nhiên, tình hình tài chính của các gia đình và doanh nghiệp Mỹ hầu như không bị ảnh hưởng sau đại dịch, trong khi tiêu dùng cũng vẫn mạnh sau khi dòng vốn đổ vào do việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gây ra đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

Ông nói: “Điều cấp thiết là đưa ra các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng, như chứng từ tiền mặt, chính sách của Chính phủ, trong khi tiến hành cải cách, nên tự kỷ luật, kiềm chế can thiệp vào nền kinh tế và duy trì luật pháp và bình đẳng để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa”.

Theo ông Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, tổ chức tư vấn phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng các nền tảng kinh tế cơ bản của Trung Quốc vẫn vững chắc, nguyên nhân là do sự khác biệt trong quan điểm đối với các vấn đề tỷ giá hối đoái.

Đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 3% từ đầu năm đến nay dựa trên tỷ giá tham chiếu hàng ngày của Chính phủ, trong khi giá giao ngay trong nước đã giảm 5% trong giai đoạn này.

“Miễn là có thể duy trì tỷ lệ hàng năm ở mức 4-5%, Trung Quốc vẫn có cơ hội tốt để vượt qua Mỹ vào năm 2035”, ông Wang Huiyao nhận định.

Bắc Kinh chưa bao giờ đặt mục tiêu rõ ràng là vượt qua Washington về kinh tế, mặc dù mục tiêu hiện đại hóa là tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người vào năm 2035 cho thấy họ có thể vượt qua vào khoảng năm 2030.

Vào tháng 5, cơ quan hoạch định nhà nước của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã đổ lỗi cho lạm phát cao và đồng đôla Mỹ mạnh là nguyên nhân gây ra khoảng cách ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong nửa đầu năm 2023, GDP của Trung Quốc bằng 64,5% quy mô của Mỹ, trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, khi sự phục hồi mạnh mẽ sau Covid không thành hiện thực và nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn mong đợi.

Con số này đạt mức cao kỷ lục 77,3% vào năm 2021, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vượt quá 8% và Mỹ tăng trưởng 5,7%, trước khi giảm xuống còn 70,7% vào năm ngoái.

Các nhà phân tích cho biết nhận thức đang thay đổi về quỹ đạo phát triển của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh với Mỹ sẽ có những tác động sâu rộng.

Công ty nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ đã đi xa hơn khi cho rằng Trung Quốc không thể bắt kịp Mỹ về GDP “trong thế kỷ này chứ đừng nói đến thập kỷ này”, đổ lỗi cho nhiều cải cách bị đình trệ của nước này.

Khánh Vy (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gdp-trung-quoc-imf-ha-du-bao-kinh-te-lieu-con-co-hoi-vuot-my-post268107.html