GDP Việt Nam đang chiếm bao nhiêu % trong nền kinh tế toàn cầu 100 nghìn tỷ USD hiện tại?

Vượt qua mốc 100 nghìn tỷ USD là một cột mốc mới đối với sản lượng kinh tế toàn cầu. Trước đó, theo IMF, GDP toàn cầu đạt 88.000 tỷ USD năm 2020 và 94.000 tỷ USD năm 2021.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu sẽ đạt 104.000 tỷ USD vào cuối năm 2022. Tăng trưởng GDP toàn cầu cho năm 2022 ban đầu được dự báo là 4,4% vào tháng 1, nhưng sau đó đã được điều chỉnh xuống 3,6% vào tháng 4.

Hoa Kỳ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022. GDP Hoa Kỳ năm 2022 đạt mức 25,3 nghìn tỷ USD — chiếm gần một phần tư nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 1871.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức với 4,3 nghìn tỷ USD. Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ hai. Một thay đổi đáng kể kể từ số liệu được báo cáo cuối cùng là Brazil hiện đã lọt vào top 10, sau khi vượt qua Hàn Quốc. Nga theo sát ngay sau đó, ở vị trí thứ 11, với GDP là 1,8 nghìn tỷ USD.

Việt Nam xếp thứ 39 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2021, với 0,409 nghìn tỷ USD, chiếm 0,409% tổng GDP toàn cầu.

Tuvalu là nền kinh tế có quy mô GDP nhỏ nhất toàn cầu, với GDP đạt 66 triệu USD. Hầu hết trong số 50 nền kinh tế có quy mô nhỏ nhất là các nước có thu nhập thấp đến trung bình và các nước mới nổi/đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới, ở các nước đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người vào năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 5% so với trước đại dịch.

Một số quốc gia được dự báo sẽ tăng trưởng GDP âm trong năm nay, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Âu. Ví dụ, Nga dự kiến sẽ tăng trưởng GDP -8,5% vào năm 2022.

Trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã được điều chỉnh giảm, tình hình sắp mới có thể còn nghiêm trọng hơn. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới cho rằng rủi ro lạm phát kèm suy thoái đang gia tăng. Hiện tại, lạm phát tiêu dùng toàn cầu đang được chốt ở mức 7%.

Với Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 2 năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị nâng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 lên 7%, cao hơn 0,5% ngưỡng mục tiêu cao mà Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Đề xuất này đã được các thành viên Chính phủ thống nhất thông qua ngay tại cuộc họp.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 7%, theo kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 3 Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01 khoảng 1%) và quý 4 tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01).

Thái Quỳnh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gdp-viet-nam-dang-chiem-bao-nhieu-trong-nen-kinh-te-toan-cau-100-nghin-ty-usd-hien-tai-42022227141825243.htm