Gen X, Y, Z quan niệm thế nào về sống chung trước hôn nhân?
Nhiều bạn trẻ phương Tây hiện ít quan tâm đến việc sống chung như một sự chuẩn bị cho hôn nhân mà bắt đầu điều này một cách tự nhiên.
Trong nhiều năm, việc chuyển đến sống chung với người yêu là một quyết định phổ biến ở các cặp đôi phương Tây, chuẩn bị cho giai đoạn sau của mối quan hệ khi cả hai tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Vương quốc Anh cho thấy giới trẻ đang thay đổi hành vi và thái độ trong việc sống chung với người yêu.
Ngoài việc phá vỡ khuôn mẫu quanh vấn đề sống chung trong quá khứ, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa Gen Y (sinh từ năm 1981 đến năm 1996) và Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) về vấn đề này.
Theo các nghiên cứu, thay vì là cột mốc quan trọng cho hôn nhân, việc sống chung thời nay có thể liên quan đến sự thuận tiện nhiều hơn. Người trẻ tuổi đang tiếp tục gạt bỏ những quan niệm cũ về việc sống cùng với người yêu, đồng thời chứng minh rằng các cột mốc quan trọng trong một mối quan hệ không còn giống như trước.
Ở Anh, theo dữ liệu từ năm 2018, số lượng các cặp đôi sống chung đang nhiều hơn các cặp đã kết hôn và các gia đình đơn thân, tăng hơn 25% từ năm 2008 đến 2018. Tình hình ở Mỹ cũng tương tự khi Gen Y có nhiều khả năng hơn Gen X cùng độ tuổi sống với đối tác.
Những quan niệm truyền thống quanh việc sống chung thường liên quan trực tiếp đến hôn nhân, mặc dù mục đích rõ ràng của nó là ổn định cuộc sống, hay ít nhất là kiểm tra khả năng phù hợp lâu dài với bạn đời. Tuy nhiên, thế hệ trẻ hiện có thể đang chứng minh những điều này là sai.
Nghiên cứu từ Đại học Cao đẳng London và Đại học St Andrews tìm hiểu những thay đổi về quan điểm hiện tại quanh việc chuyển đến sống chung với người yêu và động lực đằng sau điều này. Dữ liệu chỉ ra rằng Gen X hầu hết coi việc sống chung trước hôn nhân như một kiểu "hôn nhân thử". Trong khi đó, Gen Y dường như ít quan tâm đến điều này, thay vào đó họ lựa chọn sống chung như một quyết định thực tế.
Trưởng nhóm nghiên cứu nghiên cứu-Alina Pelikh, tại Đại học Cao đẳng London, cho biết có nhiều lý do giải thích cho điều này, như sự thuận tiện và lợi ích kinh tế cũng như giảm bớt kỳ thị xung quanh việc sống chung. Dữ liệu cho thấy ngày càng nhiều người tán thành việc sống chung, ngay cả những người chưa có kế hoạch kết hôn.
Galena Rhoades, giáo sư nghiên cứu tâm lý học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình tại Đại học Denver (Mỹ), đồng ý rằng thái độ xã hội thay đổi quanh việc sống chung đã cho phép các thế hệ trẻ có thái độ bình thường hơn khi chuyển đến sống cùng nhau, thay vì xem nó như một phép thử cho hôn nhân. Theo Rhoades, sống chung ngày càng trở thành một giai đoạn của hẹn hò hơn là hôn nhân. Sống chung không được coi như một quyết định hoặc một sự kiện cam kết trong mối quan hệ giữa 2 người.
Lựa chọn nào cho Gen Z?
Mặc dù hiểu rõ về xu hướng của Gen Y và Gen X nhưng liệu Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) có tiếp tục điều này không. Một số dấu hiệu cho thấy Gen Z tiếp tục cách tiếp cận thực dụng hơn Gen Y. Khi thái độ tích cực đối với việc sống chung ngày càng tăng, Gen Z sẽ đưa ra quyết định về điều này mà không bị kỳ thị như nhiều người thuộc thế hệ trước.
Trong một số trường hợp, Gen Z cũng có những biểu hiện ưu tiên thiết lập bản thân với tư cách cá nhân trước khi tìm một nửa còn lại. Điều này có thể khiến thời điểm thế hệ trẻ chọn sống chung muộn hơn, tương tự như mô hình mà các nhà nghiên cứu đã quan sát ở Gen Y.
Bất kể những hành vi này diễn ra như thế nào đối với Gen Z, Pelikh tin rằng những phát hiện này rất xứng đáng vì nó cho thấy các mốc quan trọng liên quan đến hôn nhân không còn ảnh hưởng trực tiếp đến các thế hệ trẻ, mặc dù vẫn còn kỳ thị xung quanh việc thay đổi không theo các mốc thời gian hoặc quan niệm truyền thống.
Nghiên cứu này giúp tiếp tục làm nổi bật các cột mốc quan trọng đang thay đổi giữa các thế hệ. Những gì có thể có ý nghĩa đối với một thế hệ đang nhanh chóng thay đổi và điều này có thể vẽ nên một bức tranh ngày càng sống động về tương lai của người trưởng thành.
Nguồn: BBC