Gen Z biến mạng xã hội thành 'chợ thơ' với trend 'phiên chợ đông', 'phiên chợ tình'
Từ đầu tháng 4, những câu thơ bắt đầu bằng cụm từ 'phiên chợ đông', 'phiên chợ tình' đang phủ sóng khắp TikTok, Facebook, Instagram... Trào lưu thơ chế này khiến cộng đồng mạng không khỏi thích thú bởi sự dí dỏm, sáng tạo, gần gũi.
Trend "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" là gì?
Người khởi xướng trào lưu này không rõ ràng, nhưng từ một số video ngắn trên TikTok, cụm từ "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Giới trẻ bắt đầu "sáng tác" những câu thơ theo mô-típ quen thuộc: câu đầu bắt đầu bằng cụm "phiên chợ đông" hoặc "phiên chợ tình"; câu sau đưa vào một tình huống hài hước, bất ngờ hoặc châm biếm nhẹ nhàng.
Ví dụ: “Phiên chợ đông em cầm nhầm trái tắc/Túi không một cắc mà ai rủ gì cũng đi”, hay “Phiên chợ tình em cầm nhầm trái đu đủ/đã là chuyện cũ anh nhắc lại làm chi?”.

Trend "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" đang gây sốt trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Trào lưu này nhanh chóng lan rộng và được người dùng từ khắp nơi hưởng ứng. Đào Quốc Việt (23 tuổi, Hà Nội), cho biết: “Lúc đầu chỉ nghĩ là cho vui, nhưng khi mình đăng một đoạn thơ kiểu đó lên Facebook thì được gần 300 lượt like. Mọi người còn comment thêm vế đối tiếp theo, thấy vui lắm”.
Không chỉ những người dùng thông thường, mà các nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng như ca sĩ Trọng Hiếu, ca sĩ Phùng Khánh Linh, nhiếp ảnh gia Thiên Minh, diễn viên Tú Vi... cũng hào hứng "đu trend". Những đoạn thơ đôi khi mang màu sắc hài hước: “Phiên chợ đông đã cầm nhầm bình rượu/Lương có 5 triệu mà đòi tổ sinh nhật ở nhà hàng 5 sao”, hoặc mang chút mỉa mai dễ thương: “Phiên chợ tình mình cầm nhầm trái khế/Chuyện mình ế sao bạn đi kể tùm lum?”.

Người nổi tiếng cùng các KOL, KOC cũng nhiệt tình tham gia trend. (Ảnh chụp màn hình)
Nguyễn Thanh Tùng, sinh viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng trào lưu này hấp dẫn bởi sự đơn giản, dễ tiếp cận, và ai cũng có thể tham gia. “Viết thơ kiểu này không cần kỹ năng văn chương gì cao siêu. Quan trọng là dí dỏm và gần gũi. Thơ này giống như cách tụi mình nói chuyện hàng ngày thôi”, Tùng chia sẻ.
Còn với Trần Vân Anh (25 tuổi, Hà Nội), cô nàng cho rằng: “Trend này giống như một cách để chúng mình giải tỏa. Nhiều khi stress vì công việc, chuyện tình cảm, lên mạng đọc mấy câu thơ vui vui tự nhiên thấy nhẹ lòng hơn”.
Cũng từ đó, một số bạn trẻ còn dùng trend để bày tỏ tâm trạng theo cách nhẹ nhàng và dễ chia sẻ hơn: “Phiên chợ đông em mua nhầm trái mận/Anh lỡ khen rồi thì em xin nhận nha anh”, hay “Phiên chợ đông em cầm nhầm trái ớt/Sao chuyện em thi rớt cô lại kể với mẹ em?”.
Không nên lạm dụng quá đà
Theo TS. Trần Hồng Hoa (Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), trend "phiên chợ đông", "phiên chợ tình" có cảm hứng bắt nguồn từ câu ca dao xưa: “Phiên chợ đông con cá hồng anh chê nhạt/Phiên chợ tàn con cá bạc anh lại khen ngon”.
Bà cho biết: “Điểm hay là ở chỗ các bạn trẻ đang sáng tạo dựa trên một mô-típ dân gian quen thuộc. Điều đó thể hiện mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa chất dân gian và ngôn ngữ hiện đại. Tuy nhiên, mọi trào lưu đều cần giới hạn. Chế thơ cũng cần trách nhiệm với ngôn từ mình tạo ra”.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hoa, khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)
Bà cho biết: “Tôi không phản đối trào lưu này, vì nó giúp xả stress, tạo tiếng cười, mang tính giải trí lành mạnh nếu biết tiết chế. Nhưng tôi cũng lo ngại nếu nội dung thơ bị biến tướng thành phản cảm, tục tĩu thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị của thơ ca nói riêng và văn hóa mạng nói chung”.
Bà cho rằng, điều quan trọng không nằm ở việc chế thơ hay không, mà là thái độ khi sáng tạo. “Giới trẻ có quyền sáng tạo, nhưng hãy nhớ rằng sáng tạo không có nghĩa là tự do tuyệt đối. Hãy cân nhắc giá trị đạo đức, thẩm mỹ trong từng vần thơ mình viết ra”.
Tuy nhiên, TS cũng cảnh báo: "Cần có những giới hạn nhất định. Việc biến mọi thứ thành trò đùa không phù hợp, đặc biệt khi nó động chạm đến người khác hoặc các giá trị văn hóa lâu đời. Người trẻ cần ý thức được điều đó khi sáng tác và chia sẻ trên không gian mạng".
Từ một vần thơ dân gian cũ kỹ, giới trẻ đã thổi vào hơi thở mới – hài hước hơn, đời thường hơn. Nhưng giữa dòng chảy meme hóa, biến tấu không ngừng ấy, cần một chút chừng mực để giữ lại tinh thần đẹp đẽ của thi ca Việt.
“Phiên chợ đông, ai cầm nhầm thơ cũ/Câu chữ lưng chừng, xin đnừg gửi cho nhau…” – một bạn trẻ viết. Và có lẽ, đó cũng là lời nhắc nhở dịu dàng về ranh giới giữa sáng tạo và gìn giữ.