Gen Z chuẩn bị gia nhập 'thị trường lao động' nhắc nhau: Đừng gửi CV cẩu thả!
Gửi CV - thao tác tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến nhiều ứng viên đánh mất cơ hội chỉ vì sự cẩu thả. Khi nhà tuyển dụng không thấy sự chỉn chu, cánh cửa cơ hội có thể đóng lại ngay từ 'vòng gửi xe'.
Một bài đăng trên Threads gần đây đã khiến nhiều người làm trong lĩnh vực tuyển dụng lắc đầu ngán ngẩm. Nội dung bài viết "Nỗi đau của HR" kèm ảnh chụp email ứng tuyển với dòng chữ ngắn gọn: "Mình gửi sơ yếu lý lịch", kèm theo một tệp PDF đính kèm. Bài đăng thu hút sự chú ý không chỉ bởi sự bất ngờ mà còn là cảm giác "đồng cảnh ngộ" từ những người làm nhân sự.
"Thật sự không hiểu các bạn đang nghĩ gì mà không có nổi một câu giới thiệu bản thân?", một người bình luận. "Nhiều bạn trẻ gần như không biết đến kỹ năng gửi CV, các bạn chỉ nghĩ đơn thuần kéo file và bấm send là xong". Những chia sẻ này không chỉ phản ánh một câu chuyện đơn lẻ mà còn làm lộ ra một thực tế đáng lo ngại: Nhiều ứng viên, đặc biệt là các bạn trẻ, đang tự đánh mất cơ hội chỉ vì không coi trọng cách thức gửi CV.

Có người bình luận: "Như sếp giao nhiệm vụ vậy".
"Cánh cửa" tuyển dụng chưa kịp mở đã đóng
Dù không thể đánh đồng tất cả, nhưng thực tế cho thấy không ít bạn trẻ đang xem việc gửi CV chỉ là một thao tác mang tính hình thức. Họ có thể dành hàng giờ để tìm kiếm công việc, nhưng khi đến bước quan trọng nhất - gửi CV ứng tuyển - thì lại làm qua loa như một thói quen máy móc.

Điều đáng nói là lỗi này không chỉ xuất hiện ở những sinh viên mới ra trường mà ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm cũng mắc phải. Mỹ Duyên, chuyên viên nhân sự, chia sẻ: "Có những ứng viên ở vị trí quản lý, khi ứng tuyển họ chú trọng vào những gì bản thân làm được mà bỏ qua một số thông tin cơ bản. Thậm chí có người điền sai số điện thoại cá nhân".
Những lỗi tưởng chừng rất nhỏ này lại có thể khiến nhà tuyển dụng bỏ qua hồ sơ của một ứng viên, đơn giản vì không có cách nào để liên hệ lại. Một email không rõ ràng, một CV không đầy đủ thông tin - tất cả tạo nên hình ảnh một ứng viên không đủ chuyên nghiệp, hoặc tệ hơn, không thật sự nghiêm túc với vị trí đang ứng tuyển.
Tư duy "gửi là xong"
Không thể phủ nhận rằng giới trẻ là thế hệ tiếp cận công nghệ nhanh nhất. Họ quen với việc tìm kiếm thông tin chỉ bằng một cú click chuột, có thể soạn thảo tài liệu trong vài phút và gửi email chỉ bằng một thao tác kéo - thả. Nhưng cũng chính sự tiện lợi này đã khiến nhiều bạn trẻ đánh mất đi sự chỉn chu tối thiểu khi gửi CV.
Christine, chuyên viên C&B, nhận xét: "Đa phần thị trường lao động hiện nay là vị trí non-manager, không yêu cầu kinh nghiệm quá khắt khe. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là hình thức CV chiếm đến 80% quyết định có mời phỏng vấn hay không. Nếu cách viết và gửi CV không chuyên nghiệp, HR sẽ bỏ qua và không muốn đi sâu".
Christine cũng đưa ra một so sánh: "Giống như bạn gõ cửa nhà người lạ. Nếu bạn không giới thiệu mình là ai, không nói rõ lý do đến, lại dùng giao diện "không chỉn chu" thì chủ nhà có mở cửa hay không".

Trên mạng xã hội, không thiếu những hướng dẫn viết CV dành cho mọi đối tượng.
Công nghệ không thể thay thế những giá trị cơ bản của giao tiếp. Dù có hàng loạt công cụ hỗ trợ tạo CV nhanh chóng, dù chỉ mất vài giây để bấm nút gửi email, nhưng nếu ứng viên không dành thời gian để chăm chút từng chi tiết, mọi lợi thế vẫn có thể biến thành điểm trừ.
Nhiều người cho rằng đây không chỉ là câu chuyện của riêng Gen Z mà còn phản ánh sự thiếu đầu tư nghiêm túc vào quá trình ứng tuyển của nhiều lao động. Một số ứng viên lâu năm vẫn mắc lỗi cơ bản như gửi CV mà không có nội dung liên hệ, hoặc sử dụng địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp, khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm ngay từ đầu.
Việc viết một email ứng tuyển chỉn chu không đảm bảo ứng viên sẽ trúng tuyển, nhưng một email cẩu thả có thể khiến CV bị loại ngay lập tức. Trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, sự khác biệt đôi khi lại nằm ở những chi tiết nhỏ nhất. Ứng viên có thể không phải người giỏi nhất, nhưng chắc chắn không thể là người bất cẩn nhất.