Gen Z livestream bán hàng thuê - phía sau giấc mộng kiếm tiền tỷ mỗi tháng
Thời hoàng kim, chàng trai 24 tuổi Đinh Văn Sơn được nhãn hàng trả tới 2 triệu đồng cho mỗi giờ livestream bán hàng, mỗi ngày làm việc 16 - 18 tiếng đồng hồ.
“Hồi trước, mình kiếm được lắm”, Sơn bắt đầu câu chuyện. Đinh Văn Sơn (24 tuổi, Hà Nội) là một trong những người livestream cho các thương hiệu rất sớm trên TikTok Shop, ngay khi nền tảng này vừa ra mắt vào tháng 4 năm 2022.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Sơn không chọn đi làm đúng ngành như gia đình mong muốn mà quyết định đi livestream bán hàng cho các đơn vị trên TikTok Shop. Tháng 5/2022, anh hợp tác lần đầu tiên với một nhãn hàng thời trang nam với mức thù lao 100.000 đồng/giờ, mỗi ngày làm 4 tiếng.
“Thời gian đầu, khi chưa có kinh nghiệm, mình chỉ kiếm được vừa đủ sinh hoạt. Nhưng sau đó, khi khách hàng quan tâm đến nền tảng hơn, chỉ 3 tháng sau, thu nhập mỗi giờ của mình tăng gấp 10 đến 20 lần”, Sơn cho biết.
Theo báo cáo của Metric, TikTok Shop dù mới chỉ ra mắt từ đầu năm 2022 nhưng đã nhanh chóng nâng thị phần trong cả “miếng bánh” thương mại điện tử từ 3% vào quý III/2022 lên 16% sau một năm. Đến quý I/2024, Tik Tok Shop đã chiếm 23,2% thị phần.
Sự phát triển thần tốc này đem đến nhiều việc làm cho những người bán hàng trực tuyến. Nhiều bạn trẻ gen Z nhanh chóng thích nghi với công nghệ, phương pháp mới và tận dụng rất tốt nền tảng TikTok Shop.
Chỉ 3 tháng sau khi làm livestream, Sơn được nhãn hàng để ý. Mức thù lao của anh lên đến 1 - 2 triệu đồng/giờ. Chàng trai trẻ liền tận dụng cơ hội để "cày", làm đến 16 - 18 tiếng mỗi ngày. Thời gian đó, thu nhập của anh là con số đáng thèm khát cả với những người đã đi làm mấy chục năm, mỗi ngày có thể kiếm tới vài ba chục triệu đồng.
“Mình thường bắt đầu đi làm từ 8h; từ 9h đến 14h là ca live đầu tiên. Tiếp đến là ca 15h-19h và cuối cùng là ca 20h-2h hôm sau. Nhiều hôm, mình livestream đến 3h sáng mới về đến nhà, ăn cơm rồi ngủ để sáng hôm sau đi làm tiếp”, Sơn chia sẻ.
Thu nhập của những người như Đinh Văn Sơn khiến bao nhiêu bạn trẻ gen Z hào hứng lao vào nghề livestream bán hàng. Sơn không phải là người nổi tiếng mà còn được như vậy, họ cảm thấy chuyện kiếm tiền tỷ mỗi tháng nhờ nghề này không phải là chuyện xa xôi, hoang đường.
Kể về giai đoạn làm việc điên cuồng trong thời hoàng kim của nghề livestream bán hàng, Đinh Văn Sơn cho biết, chuyện chỉ được ngủ 3- 4 tiếng mỗi ngày là hết sức bình thường.
Đỉnh điểm là những phiên giảm giá lớn. Năm 2023, các nhãn hàng tổ chức chiến dịch "Thử thách livestream 72 tiếng" tạo nét độc lạ nhằm thu hút người xem, Sơn phải liên tục nói trong vòng 3 ngày. Mọi nhu cầu cá nhân như ăn uống, đi vệ sinh đều phải thực hiện chớp nhoáng. Cứ sau 16 tiếng livestream liên tục, anh được nghỉ ngơi 2 tiếng, xong lại tiếp tục nói.
Đứng suốt, nói nhiều, ăn uống không điều độ, Sơn cảm thấy lưng mình như rã ra. Họng rất đau, anh phải uống chanh mật ong và ngậm thuốc ho liên tục. Lưỡi gần như mất vị giác, hàm luôn có cảm giác cứng khi nhai.
"Khi đó, mình chả thiết ăn uống gì vì còn vị giác đâu. Lưỡi thì rát mà luôn chỉ thấy mùi ngọt ngọt của thuốc ngậm ho", Sơn nhớ lại.
Và cuối cùng cơ thể cũng không chống đỡ nổi cường độ làm việc đó. Một ngày cuối tháng 9/2023, Sơn đang livestream thì bỗng thấy buồn nôn, chóng mặt. Nghĩ mình tụt huyết áp, anh ra hiệu cho nhãn hàng để sắp xếp người thay ca. Tình huống bất ngờ, ai cũng bối rối, xử lý không thể nhanh.
Cảm thấy mình sắp ngất xỉu nhưng anh vẫn phải cố gắng cười nói với khán giả thêm 20 phút. "Nguyên tắc sống còn ở trên livestream là bạn không thể có năng lượng thấp", Sơn giải thích.
Kết thúc phiên live, Sơn ăn vội miếng bánh ngọt rồi chạy xe về nhà, lao ngay vào phòng, nằm vật ra giường. Đêm đó, bạn cùng phòng đưa anh vào bệnh viện truyền nước. Anh phải xin lỗi nhãn hàng và bồi thường vì đột ngột nghỉ live hai hôm. Tuy sức khỏe cạn kiệt, chàng trai gen Z vẫn hài lòng với công việc của mình vì khoản thu nhập cao: "Bán sức khỏe lấy tiền ấy mà. Ai chả vậy".
Việc kiếm tiền không thể nào cứ mãi nhanh và dễ dàng, và Sơn nhanh chóng đi qua giai đoạn hoàng kim rực rỡ của nghề livestream bán hàng, xét về thu nhập. Tháng 5/2023, ngày càng nhiều đơn vị bán hàng trên sàn TikTok Shop và càng nhiều hơn các bạn trẻ nhận livestream. Những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng cũng tham gia nhiều hơn. Từ đó, mức thù lao dần bị ép xuống.
Giá trung bình của những người chưa có kinh nghiệm chỉ khoảng 20 - 30 nghìn đồng/giờ, người nhiều kinh nghiệm hơn khoảng 150 - 200 nghìn đồng/giờ.
Các thuật toán của nền tảng cũng thay đổi. Những người livestream chưa có thương hiệu cá nhân ít được đẩy lên xu hướng; các nhãn hàng ngày càng chi li, chặt chẽ hơn. Nhãn hàng mà Sơn cộng tác lúc đầu trả cho anh 1 triệu đồng/giờ cộng 10% doanh thu toàn phiên live. Đến cuối năm 2023, họ chỉ còn trả anh 200 nghìn đồng/giờ cộng 5% doanh thu, sau đó giảm xuống 2% và cuối cùng còn 1%.
"Họ bảo là để dành cái tiền đó chạy quảng cáo, cũng giúp tăng thương hiệu cá nhân cho mình. Quảng cáo đâu chả thấy, chỉ thấy ngày càng lùi, trước đây mỗi phiên có khi cả ngàn lượt xem, đến năm 2023 chỉ còn tính bằng đơn vị chục, lắm lúc còn độc thoại, thao thao bất tuyệt một mình", Sơn thở dài.
Thu nhập giảm mà khối lượng công việc không thay đổi. Sơn dần thấy chán nghề. Anh quyết định đổi hướng sang sáng tạo nội dung du lịch, làm MC và hỗ trợ xây kênh cho những khách có nhu cầu. Công việc livestream đem lại thu nhập cao nhưng cũng lấy đi của anh nhiều thời gian và trải nghiệm quý giá. Hiện nay, Sơn muốn được đi khám phá nhiều hơn, bù đắp cho những tháng ngày chỉ có camera, đèn và phông xanh.
Phùng Bá Đạt (22 tuổi, Hà Nội) hiện là sinh viên năm cuối. Mỗi ngày, Đạt đều cố gắng livestream ca sáng từ 8h30 đến 13h30 rồi đi học. Tan học về, Đạt lại tiếp tục livestream ca 18h30 đến 23h30. Hết giờ làm, Đạt tập trung cho việc học. Do đã có kinh nghiệm, chàng sinh viên được các nhãn hàng trả công 150 nghìn đồng/giờ.
Khi nào còn có người xem, các đơn vị còn giao hàng thì Đạt vẫn phải livestream. "Công việc này hầu như không có ngày nghỉ. Chỉ có ngày Tết, các đơn vị ngừng giao vận là mình được nghỉ ngơi dài, khi đó mới có thời gian về quê với gia đình", Đạt cho biết.
Các nhãn hàng thường yêu cầu người livestream phải có ca đều đặn mỗi ngày để người xem quen mặt và trở nên trung thành hơn. Trong suốt ba năm qua, hầu như Đạt không nghỉ ngày nào. Đôi khi muốn đi chơi vào cuối tuần, anh sẽ phải xin phép từ đầu tuần để phân ca, vì đó là thời điểm người xem đông.
Cuối năm 2023, cơ thể Đạt bắt đầu lên tiếng. Trời lạnh, phải đi đêm, Đạt sốt cao và ho dai dẳng. Lần đầu tiên, nam sinh viên dám xin nghỉ hẳn 15 ngày để về quê, nghỉ ngơi chăm sóc bản thân. May sao nhãn hàng đồng ý, bởi lẽ người ho sù sù quả thật không livestream được.
Đạt hy vọng tiếp tục nghề livestream này thêm một thời gian, sau khi tích lũy thêm chút tiền và kiến thức sẽ chuyển sang tự mình kinh doanh.
“Nghề này cũng gặp nhiều khó khăn, không kém bất kỳ lĩnh vực nào. Trong ngành livestream, mình phải học hỏi liên tục và tìm hiểu về sản phẩm mới thật nhanh. Công việc này yêu cầu phải có độ nhạy bén và cách ứng xử linh hoạt. Có một khó khăn lớn là phải nói nhiều nên đôi khi ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là về giọng nói”, Đạt chia sẻ.
Đạt đang livestream cho các thương hiệu thời trang trẻ.
Thuyết phục được khách mua hàng trực tiếp đã khó, thông qua trực tuyến lại càng khó hơn. Khách mua hàng chỉ thông qua một màn hình, mọi thứ chỉ là cảm tính. Những bạn trẻ livestream cần phải cố gắng để miêu tả sản phẩm, trực tiếp sử dụng, dùng mọi hình thức khác nhau để gợi cảm xúc cho khách hàng dễ dàng chốt đơn.
Mọi kịch bản bất ngờ đều có thể xảy ra nên người livestream phải chuẩn bị trước cho nhiều tình huống. Đôi khi, họ phải tập dượt, kiểm tra thiết bị thật kỹ càng trước khi vào phiên live. Việc này cũng tốn nhiều thời gian và công sức.
Các bạn trẻ làm livestream không có nhiều tiếng nói với nhãn hàng, dễ bị chèn ép về thù lao cũng như thời gian. Đây là một phần rủi ro trong công việc mà rất nhiều người đành chấp nhận.
“Nghề live đã dạy mình rất nhiều kinh nghiệm sống và mang lại thu nhập ổn định khi vẫn còn là sinh viên. Do đó bạn nào muốn thử sức với nghề thì cũng nên thử, lỡ đâu ta của sau này lại thành một KOC với những phiên live tiền tỷ”, Đạt cười.
Với nghề livestream, thương hiệu cá nhân đặc biệt quan trọng. Khi được khách hàng tin tưởng, việc buôn bán cũng trở nên dễ dàng.
“Mọi người muốn theo nghề livestream cần xây dựng thương hiệu mang đậm màu sắc cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu rõ về nhãn hàng, khách hàng và các vấn đề họ gặp phải, xem mọi thứ có phù hợp với phong cách cá nhân của mình không. Như vậy, bạn đã thành công một nửa hành trình rồi”, Định Văn Sơn kết thúc câu chuyện.