Gen Z sôi nổi tranh luận về đề thi Ngữ văn 'Còn ăn Tết Ta, đất nước còn nghèo nữa'

Đề thi học kì I môn Ngữ Văn của một trường THPT tại Quận 1, TP.HCM yêu cầu học sinh đưa ra ý kiến về quan điểm 'Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa'. Gen Z đã sôi nổi đưa ra các ý kiến tranh luận của mình trước chủ đề này.

Mới đây, các bạn học sinh lớp 10 tại trường THPT Trưng Vương (Quận 1, TP.HCM) nhận được đề thi Học kỳ I môn Ngữ văn rất thú vị. Cụ thể, phần đọc hiểu của bài thi này sử dụng bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên và đặt ra câu hỏi nghị luận “mở”. Câu hỏi đưa quan điểm “Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa” (GS Võ Tòng Xuân) và yêu cầu học sinh đưa ý kiến cá nhân về vấn đề này.

Đề Văn bàn luận về vấn đề "còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo" (Ảnh chụp màn hình)

Đề Văn bàn luận về vấn đề "còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo" (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ có các bạn học sinh trường THPT Trưng Vương, đông đảo Gen Z cũng sôi nổi tranh luận về chủ đề này. Đã 16 năm từ khi GS Võ Tòng Xuân đưa quan điểm không nên tiếp tục ăn Tết ta, cứ mỗi dịp năm hết, Xuân về, vấn đề này lại được đưa ra thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Những ý kiến ủng hộ bỏ truyền thống đón mừng Tết Nguyên đán cho rằng việc nghỉ Tết quá lâu, lại theo quan niệm dân gian “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc, khó quay lại nhịp làm việc ban đầu. Nhưng nhiều Gen Z bảo vệ quan điểm nên giữ gìn Tết truyền thống. Các bạn đưa ra những giá trị tốt đẹp, thiêng liêng của Tết Nguyên đán như gia đình sum họp, là dịp để mọi người quây quần bên nhau, vui chơi lễ hội... là lý do chính đáng để giữ Tết ta.

 Gen Z bảo vệ quan điểm nên giữ gìn Tết truyền thống.

Gen Z bảo vệ quan điểm nên giữ gìn Tết truyền thống.

“Mỗi lần Tết sắp đến, bà mình vui lắm, vì các cô chú đi làm ăn xa sẽ về sum họp. Mình cũng cảm nhận được niềm vui ấy từ bà lan sang, rồi yêu Tết lúc nào không hay. Chọn bỏ Tết á, không bao giờ!”

“Theo mình, chắc chắn là không nên bỏ Tết, bởi vì Tết mang một giá trị tinh thần.”

“Để đất nước giàu có phải nâng cao dân trí, phát triển kinh tế hiệu quả, chứ không phải bỏ Tết.”

 Điều nên “bỏ” chính là lối suy nghĩ cũ và các hành động không hay vào dịp Tết.

Điều nên “bỏ” chính là lối suy nghĩ cũ và các hành động không hay vào dịp Tết.

Phần đông Gen Z đưa ý kiến rằng các vấn đề “bất ổn” của Tết ta là có tồn tại. Như nghỉ học dài ngày có thể khiến học sinh khó khăn khi bắt đầu quay lại trường, một số tệ nạn xấu tuổi teen có thể xảy ra như đốt pháo, cờ bạc, mê tín dị đoan… Nhưng thay vì bỏ Tết truyền thống, điều nên “bỏ” chính là lối suy nghĩ cũ và các hành động không hay vào dịp Tết.

“Trong những ngày Tết vẫn duy trì nhịp sinh hoạt hợp lý, điều độ, thì sau Tết teen chúng mình vẫn sẽ dễ dàng quay lại nhịp ở trường học thôi. Thậm chí còn hứng khởi hơn sau khi được nghỉ ngơi, vui chơi.”

“Ăn chơi quá đà, dẫn đến tinh thần uể oải sau Tết, đó là lỗi của chính bản thân chúng ta, chứ có phải tại Tết đâu. Bớt đổ thừa.”

Không nên bỏ Tết, bởi vì Tết mang một giá trị tinh thần.

Không nên bỏ Tết, bởi vì Tết mang một giá trị tinh thần.

Đứng trước một chủ đề gây tranh cãi, Gen Z đã cho thấy những nhận định thú vị mà không kém phần sâu sắc. Bên cạnh việc đưa ra các ý kiến cá nhân rành mạch, rõ ràng, các bạn còn hướng đến việc nghĩ ra giải pháp để khắc phục những điểm chưa hay trong thói quen, tâm thế đón Tết thay vì lựa chọn bỏ hẳn Tết truyền thống.

Ngoài đề xuất đến việc cân bằng nhịp sinh hoạt, các bạn còn gợi ý các hoạt động mà teen có thể tham gia để Tết Nguyên đán thêm vui và ý nghĩa: Làm bánh chưng, đi chùa, giúp bố mẹ trang trí nhà cửa…

KÌNH LẠC - Ảnh minh họa từ Internet

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/gen-z-soi-noi-tranh-luan-ve-de-thi-ngu-van-con-an-tet-ta-dat-nuoc-con-ngheo-nua-post1499525.tpo