Hiện tại, Hải quân Nga đang sử dụng hai tàu chiến Gepard 3.9 trong biên chế. Hai tàu Gepard 3.9 của Nga lần lượt có số hiệu 691 và 693.
Theo các tài liệu của phương Tây, tàu chiến lớp Gepard 3.9 được xếp vào hàng khinh hạm (frigate).
Việc xếp các tàu Gepard vào loại khinh hạm, đồng nghĩa với việc đưa lớp tàu chiến này về ngồi "chung mâm" với các loại khinh hạm khác của Hải quân Nga, như lớp Gorshkov, Grigorovich hay Neustrashimyy.
Điều trớ trêu ở đây đó là nếu xếp các tàu Gepard 3.9 của Nga là khinh hạm, độ giãn nước tối đa của nó - vốn chỉ là 1930 tấn - lại thua kém rất nhiều so với các tàu khác cùng loại.
Cụ thể, khinh hạm lớp Gorshkov của Hải quân Nga có độ giãn nước tối đa lên tới 5400 tấn, trong khi đó các khinh hạm "cổ" nhất của lực lượng này, lớp Krivak ra đời từ năm 80 của thế kỷ trước cũng có độ giãn nước 3575 tấn.
Vậy nên, nếu xếp tàu chiến Gepard vào lớp khinh hạm như theo tiêu chuẩn của phương tây, rõ ràng là chiến hạm này đã hơi "thiếu cân" so với những người anh em của mình.
Tuy nhiên nếu xét về mặt trang bị vũ khí - đặc biệt là ở phiên bản Gepard 3.9 có trang bị giếng phóng thẳng đứng, sức mạnh tác chiến của các tàu Gepard lại ngang ngửa với một vài khu trục hạm loại nhỏ.
Cụ thể, với việc được trang bị tới 16 giếng phóng tên lửa thẳng đứng ở một vài phiên bản đặc biệt, các tàu Gepard có sức chiến đấu gần như ngang ngửa với khinh hạm Đô đốc Grigorovich - vốn chỉ có trang bị 8 ống phóng.
Ngoài ra, các tàu chiến Gepard 3.9 của Hải quân Nga còn có trang bị ống phóng tên lửa chống hạm Kh-35, tên lửa đối không Osa-M, pháo hạm 76,2mm, pháo cao tốc AK-630, pháo phản lực chống ngầm RBU-6000 và ngư lôi 533mm.
Dàn vũ khí này của các tàu Gepard 3.9, đủ để nó cung cấp hỏa lực tương đương với một khinh hạm cỡ nhỏ hiện nay.
Tuy nhiên do có kích thước khá nhỏ, các tàu Gepard 3.9 lại có dự trữ đạn dược và dự trữ hành trình ít hơn, khó có thể thực hiện được các nhiệm vụ dài ngày trên biển.
Vậy nên, Hải quân Nga cùng với Việt Nam, xếp tàu Gepard 3.9 vào lớp hộ vệ hạm là tương đối chính xác, nếu xét theo nhiều yếu tố của tàu, đặc biệt trong đó có yếu tố dự trữ hành trình.
Chưa kể tới việc, Nga là quốc gia thiết kế ra loại tàu chiến này nên nghiễm nhiên, Moscow có quyền xếp nó vào hàng hộ vệ hạm hoặc khinh hạm, tùy theo học thuyết hải quân của nước này.
Trên thế giới, cũng có không ít loại tàu chiến cực kỳ "cá biệt", ví dụ như tàu Izumo của Nhật được xếp hạng chỉ là khu trục hạm mang trực thăng, hay tàu Sa'ar 6 của Israel mang theo được số vũ khí ngang với khu trục hạm, nhưng vẫn được xếp vào lớp tàu hộ vệ. Nguồn ảnh: YDX.
Cận cảnh hai tàu Gepard 3.9 hiện đang phục vụ trong lực lượng Hải quân Nga. Nguồn: Lamag.
Trần Trân