Ghé thăm ngôi cổ tự xưa nhất Bình Định một ngày đầu xuân
Được xem là ngôi cổ tự xưa nhất ở Bình Định, chùa Thập Tháp thu hút du khách khắp nơi tìm đến bởi sự độc đáo về kiến trúc, bề dày dấu vết thời gian.
Qua tìm hiểu, năm 1655, vị Thiền sư Nguyên Thiều, người Quảng Đông, Trung Quốc theo thuyền buôn đi về phía Nam rồi dừng chân tại phủ Quy Ninh (Bình Định). Tại đây, ông lập một thảo am nhỏ thờ Phật A Di Đà rồi xây dựng thành ngôi chùa khang trang vào năm 1683. Đây chính là nguồn gốc của chùa Thập Tháp, tổ đình phái Lâm Tế và cũng là ngôi chùa cổ xưa nhất trên đất Bình Định.
Ngày nay chùa Thập Tháp thuộc địa phận thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 28km về hướng Bắc và cách sân bay Phù Cát 5,2km. Dù ở gần QL1A nhưng chùa không bị khuấy nhiễu bởi tiếng còi xe ồn ào mà ngược lại rất yên bình, thư thái.
Tên gọi Thập Tháp (nghĩa là 10 ngôi tháp) xuất phát từ việc chùa được xây trên vùng đất xưa kia có 10 ngọn tháp Chăm từng tồn tại, sau này sụp đổ và mất hết dấu tích. Số gạch từ các tháp vỡ đã được Thiền sư Nguyên Thiều dùng để xây chùa, vì thế mới có tên gọi chùa Thập Tháp như ngày nay. Trong khuôn viên chùa còn ba chiếc giếng cổ hình vuông, cũng được cho là của người Chăm để lại.
Cùng với chùa Bổ Đà (Bắc Giang) ở miền Bắc, chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), chùa Từ Hiếu (Huế) ở miền Trung, chùa Thập Tháp là một trong số ít những ngôi chùa ở nước ta có vườn tháp cổ đặc biệt ấn tượng. Các tháp này là nơi chôn cất nhục thân của các vị trụ trì và chư tôn túc trong chùa. Các tháp được xây dựng vào thế kỷ 19, 20 với nhiều nét kiến trúc khác nhau. Quanh mỗi tháp đều có tường bao, phía trước có bức bình phong che chắn và các linh thú trên lối vào.
Hiện nay chùa còn lưu giữ nhiều bản khắc gỗ của các bộ kinh Phật và bộ Đại tạng kinh được truyền lại qua nhiều thế hệ. Ngày 9-1-1990, chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chị Kim Anh (thành phố Quy Nhơn) chia sẻ: “Tôi đến chùa Thập Tháp bởi vẻ đẹp qua thời gian và những câu chuyện lịch sử nơi đây. Tôi thích sự giản dị ở các ngôi chùa hơn là những nơi quá hoành tráng, bề thế. Chốn bình yên này giúp tôi tĩnh tâm và cảm thấy nhẹ nhàng trong ngày đầu năm”.