Ghé thăm ngôi nhà đặc biệt tại Phú Thượng còn in hằn dấu chân Bác
Cuối tháng 8 năm 1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội để hoàn thiện bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Những giá trị lịch sử ấy cần được giới thiệu đến người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.
Ít ai biết rằng, nơi đặt chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về đến Hà Nội là một căn nhà ẩn khuất tại phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Đây là nhà cụ Nguyễn Thị An, nay được ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An gìn giữ. Nơi đây không chỉ chứa đựng những kỷ vật, tài liệu quý giá năm xưa, mà vẫn còn những câu chuyện “sống” về Bác Hồ in hằn trong trí nhớ của ông Dũng, qua lời kể của bà nội và cha.
Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay căn nhà cổ vẫn được các thế hệ trong gia đình gìn giữ, duy tu từng món đồ, kỉ vật mang hình bóng của Bác. Từ cổng vào nhà, nền gạch lát ở sân đến các hiện vật quan trọng như chiếc sập gỗ, chiếc trường kỷ nơi Bác làm việc và nghỉ ngơi, chiếc phản mà đồng chí tháp tùng theo cạnh Bác (tức đồng chí Trần Đăng Ninh)... đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Ngôi nhà là niềm tự hào của gia đình
Qua thời gian, những câu chuyện về Bác Hồ được bà nội và cha kể lại, ông Công Ngọc Dũng vẫn khắc ghi từng chi tiết như đã được thấm vào tim, vào máu. Ông chia sẻ: “Vào năm 1945, ngôi nhà từng là nơi trú ẩn, liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cán bộ hoạt động cách mạng. Trong suốt khoảng thời gian đó, những người trong nhà không để lộ bí mật, không làm mất tài liệu và chu cấp đầy đủ theo khả năng cho các đoàn cán bộ. Chính bởi vị trí kín đáo, nằm trong vùng an toàn nên đồng chí Hoàng Tùng (Cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thượng bấy giờ) đã chọn ngôi nhà làm điểm dừng chân của Bác Hồ trong ba ngày đầu người từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội”.
Chiều 23/8/1945, một đoàn cán bộ gồm hơn 10 người từ chiến khu Việt Bắc về. Gia đình ông Dũng không được báo trước về sự xuất hiện của Bác Hồ, chỉ nghĩ cũng như các đoàn cán bộ khác từng đến đây ở. Tuy nhiên hôm đó, ông Công Ngọc Kha (tức bố của ông Công Ngọc Dũng) thấy đoàn có thái độ rất trang nghiêm, đi về lặng lẽ hơn, trong đoàn có một ông cụ khác hẳn mọi người, thân hình gầy, yếu như mới qua một trận ốm sốt rét.
“Theo như lời bố tôi kể lại, cụ làm việc chăm chỉ, không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, làm việc rất khuya, sáng dậy sớm tập thể dục sau đó lại vào ngồi đánh máy. Tuy bận rộn như vậy nhưng ông cụ vẫn dành thời gian rèn luyện sức khỏe và dạy chị gái tôi tập hát, tập đếm”. Ông Dũng hồi tưởng lại.
Ông Dũng kể tiếp, chiều 25/8 trước khi ra về ông cụ có mời mọi người trong gia đình tới, nói lời cảm ơn gia đình vì đã chăm lo, giúp đỡ đoàn cán bộ và hẹn một ngày nào đó trở lại. Tới 2/9/1945, mọi người khi đi dự buổi mít tinh khổng lồ, thấy ông cụ trên khán đài mới ngờ ngợ như từng ở nhà mình. Tới khi trở về, đồng chí Hoàng Tùng mới thông báo cho gia đình biết ông cụ đó chính là Bác Hồ. Lúc đó mọi người mới vỡ òa, niềm vui, niềm hân hoan của ngày Độc lập được nhân lên gấp bội.
Hơn 9 giờ sáng 24/11/1946, sau khi dự Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ quay lại thăm nhà cụ An lần thứ 2. Lần này gia đình được báo trước về sự xuất hiện của chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Về tới nơi, Bác Hồ hỏi bố tôi (Ông Công Ngọc Kha) về ông cụ già trong nhà, tức ông nội tôi và bảo bố tôi đi mời ông cụ xuống gặp Bác. Ông nội tôi khi xuống tới sân, nhìn vào trong nhà thấy Bác Hồ thì cụ chuẩn bị dựng gậy vào cây hoa mộc để chắp hai tay vào vái, hành lễ. Khi thấy cụ Trường chuẩn bị hành lễ thì Bác Hồ đi rất nhanh ra nói rằng: “Không không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em cả, không còn như chế độ thực dân trước đây nữa”. Rồi Bác và ông tôi dắt tay nhau vào nhà”. Ông Công Ngọc Dũng kể về những hành động rất ân cần và bình đẳng với nhân dân.
Không chỉ có bố và ông nội của ông Dũng được tiếp xúc với Bác, bà Công Thị Mai (Chị gái ông Dũng) còn được Bác Hồ ôm, bế và dạy tập đếm, tập hát. Khi nhớ và kể lại câu chuyện này, ông Dũng rất xúc động và tỏ ra tiếc nuối vì khi đó ông chưa được sinh ra.
“Bằng mọi giá phải giữ lại ngôi nhà”
Năm 1990, ông Công Ngọc Dũng được tiếp quản ngôi nhà, nhiều người trong dòng họ không khuyên ông nên bỏ căn nhà. Tuy nhiên, bằng mọi giá, ông đã kiên quyết giữ lại ngôi nhà và sẵn sàng hiến tặng cho nhà nước để làm di tích lịch sử về Bác Hồ. Ông nói: “Có chật thì ở chật, rộng thì ở rộng, riêng ngôi nhà này phải để làm chỗ thờ Bác, bằng mọi giá phải giữ lại”.
Không phụ tấm lòng của ông Dũng, tới nay ngôi nhà đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Ông Công Ngọc Dũng không chỉ là người đã dốc sức trông coi, gìn giữ ngôi nhà suốt hơn 20 năm qua, mà còn giới thiệu di tích cho những đoàn khách tham quan. Không những thế, ông còn kêu gọi cả gia đình, vợ con cùng tay góp sức. Mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Bác về thăm hay di tích tổ chức sự kiện lớn, cả đại gia đình, từ các bác, cô, chú, anh, chị, em trong nhà ông Dũng đều xắn tay vào làm việc.
Về sau này, ông Dũng mong muốn rằng các con, các cháu mình ngoài việc làm ăn ra thì cũng dành một khoảng thời gian, một góc trong đầu, trong tim về di tích này.