Ghen trong hôn nhân, mức độ nào thì đủ?
Trong hôn nhân, ghen tuông thái quá như món ăn nồng mùi vị khiến người trong cuộc chán nản, mệt mỏi. Nếu tỉnh táo biết nêm nếm đủ liều thì ghen sẽ là gia vị khiến đời sống vợ chồng thêm phần ngọt ngào, viên mãn.
Trong thực tế, khi ghen người ta không thể làm chủ và kiểm soát được suy nghĩ cũng như cảm xúc của mình. Sự mù quáng khi ghen khiến bạn có những biện pháp đối phó không hiệu quả. Hậu quả diễn ra, nhiều người mới ân hận vì những hành vi và lời nói của mình.
Nói về "chuyện muôn thuở" này, thạc sĩ tâm lý học Hoàng Minh Phú, giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, cho rằng, ghen tuông tạo ra bầu không khí khó chịu, ngột ngạt trong quan hệ tình cảm giữa hai người, thực sự không hề có tác dụng bảo vệ hạnh phúc như nhiều người lầm tưởng.
Lý do kết luận như vậy là vì "khi ghen, bản thân người đó trở nên bất an và yếu ớt" và hậu quả là ghen làm cho sự ngăn cách giữa bạn và vợ/chồng mình ngày càng lớn hơn. Ghen khiến vợ chồng không lắng nghe và cảm thông cho nhau, làm không khí gia đình trở nên ngột ngạt và khó chịu, dễ xảy ra cãi vã, thậm chí là đánh đập nhau.
Ngoài ra, khi ghen bạn sẽ không kiềm chế được cảm xúc, có lối ứng xử thiếu tế nhị, khiến những người xung quanh dần dần xa lánh bạn.
"Có một số người ghen đến nỗi mất hết lý trí, gây ra những chuyện tàn nhẫn, vô tâm để rồi ân hận suốt đời hoặc vướng vào vòng lao lý", ThS Hoàng Minh Phú cảnh báo.
Nhưng ghen là một dạng cảm xúc, cho nên theo ThS Phú, điều quan trọng là bản thân người trong cuộc phải làm chủ được cảm xúc, phải biết cân bằng và giải tỏa cảm xúc khó chịu, bực bội đó.
Vậy ghen như thế nào cho đúng cách? Kỹ năng này nghe có vẻ như đơn giản nhưng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ phải “học” mới bảo vệ được gia đình mình.
Chỉ nói khi có đủ bằng chứng
Nói có sách, mách có chứng, đừng chỉ nói dựa vào cảm tính hay bằng sự nghi ngờ mơ hồ của bản thân. Đồng ý là giác quan thứ 6 của phụ nữ rất nhạy bén, chính phụ nữ cũng rất tin tưởng vào linh cảm của mình, tuy nhiên, rõ ràng đó là lý luận không có tính thuyết phục.
Hãy tìm thời điểm đúng lúc, hãy ghen sao cho chồng tâm phục khẩu phục, không còn lời nào chối cãi. Đàn ông rất già mồm, nếu không có đủ bằng chứng, chắc chắn anh ta sẽ khăng khăng chối bỏ, thậm chí giận ngược lại vợ.
Bởi vậy, vợ chỉ nên nói khi đã nắm đủ bằng chứng trong tay. Nói ngắn gọn, rõ ràng, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, chồng sẽ buộc phải nhìn nhận lại sự việc một cách nghiêm túc, không dám cho rằng vợ ghen bóng ghen gió, ghen… vớ vẩn và không tin tưởng anh ấy.
Đừng lăng mạ chửi bới
Chồng có bồ, ai mà bình tĩnh, dịu dàng cho nổi. Giây phút ấy, cơn ghen cùng sự thương tổn nổi lên như bão táp, chỉ muốn túm lấy chồng, lấy ả nhân tình mà chửi bới, lăng mạ cho bõ bèn.
Nhưng sau tất cả đổi lấy được gì? Sĩ diện của bản thân mất, của chồng cũng mất nốt, tổn thương chẳng vơi đi, chồng lại càng xa lánh, càng tìm cách đến với nhân tình.
Vợ khôn là phải biết tránh thể hiện thái độ, cảm xúc trước mặt chồng. Hãy cứ theo dõi một thời gian, tỏ ra chẳng có chuyện gì, cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt để chồng mất cảnh giác, từ đó vợ sẽ có nhiều phương án cao tay hơn khi trị chồng.
Tìm cách “trả thù” là một sai lầm lớn
Dù mối quan hệ của bạn đời ở mức độ nào đi chăng nữa, thì khi thể hiện cách ghen của mình bằng hành động, lời nói, bạn cũng phải tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của người kia. Nếu bạn tìm mọi cách để “trả thù” thì đang đi vào một sai lầm lớn.
Hãy quan sát, tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn đời chán mình, đây mới là cách khôn ngoan nhất.
“Cương và nhu” luôn đi liền nhau
Đừng bao giờ chuyện bé xé ra to cũng như đổ thêm dầu vào lửa, nó sẽ chỉ làm cơn ghen của bạn càng bốc hỏa mà thôi. Bạn không muốn cãi vã hay làm to chuyện, không có nghĩa là bạn dễ dàng cho qua mọi thứ. Hãy tìm cách cho người kia biết suy nghĩ của mình qua những câu nói ẩn ý nhẹ nhàng, sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Tránh tình trạng chàng được thể làm tới, cho rằng làm bất cứ điều gì bạn cũng phải chịu, nhưng cũng đừng lạm dụng biện pháp mạnh vì có thể dẫn tới chiến tranh liên miên khiến cả hai cùng mệt mỏi, hạnh phúc gia đình đứng trước bờ vực.
Biết tha thứ và tin tưởng
Khi đối phương đã nhận ra sai lầm của mình, hãy tha thứ và mở lòng lại lần nữa. Xây dựng lòng tin đòi hỏi tình cảm sâu sắc và sự tế nhị từ hai phía. Đừng bao giờ để những câu tra khảo của mình dồn anh ấy vào chân tường. Bạn có thể hỏi để biết xem anh ấy làm gì, ở đâu. Thế nhưng, cách hỏi han của bạn phải đủ khéo léo để anh ấy hiểu rằng: Bạn đang quan tâm lo lắng cho anh ấy chứ không phải dò xét, kiểm tra.
Điều chỉnh lại bản thân
“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trị chồng rồi cũng nên nhìn lại bản thân để điều chỉnh mình.
Sau tất cả, hãy hỏi mình đã làm gì sai, mình có làm gì khiến nửa kia cảm thấy mệt mỏi, chán chường hay không? Đời sống chăn gối có thật sự êm ấm chưa? Bản thân mình có thiếu sót nào chăng?
Nhiều người cho rằng, tại sao chồng mình có lỗi, không điều chỉnh chồng mà lại đi điều chỉnh chính mình. Nhưng phụ nữ biết không, việc làm này bao giờ cũng mang lại lợi ích lớn. Nó giúp chính bản thân người vợ bình tĩnh hơn, thấy được giá trị của mình, hiểu mình đang có gì trong tay, hiểu mình đã tích cực như thế nào để giữ gìn mái ấm gia đình…
Tin đi, nó không khiến vợ “thấp kém” hơn vì nhún nhường đâu. Nó chỉ giúp vợ nâng cao giá trị của mình với gia đình và chồng.