Ghi chép: Từ điểm cuối con đường mang tên Bác

Hơn 15 giờ, xe dừng trước Trung tâm thương mại Plaza, thị xã Chơn Thành. Thấy chúng tôi không vào trung tâm mà dừng lại chỉ trỏ rồi chụp ảnh tấm bia di tích, anh bảo vệ trung tâm thương mại yêu cầu dời xe đi. Chị Trương Thị Bích Huệ, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Chơn Thành phải trình bày về nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ đi thực tế, anh bảo vệ mới miễn cưỡng đồng ý nhưng giục chúng tôi tác nghiệp thật nhanh.

Con đường huyền thoại

Tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy tấm bia di tích lịch sử điểm cuối con đường mang tên Bác. Đó là tấm bia bằng bê tông cốt thép, cao khoảng 1,5m, rộng chừng 80cm, sát mép đường trước Trung tâm thương mại Plaza - nơi xe taxi thường xuyên đậu để đón khách nên chắn hết mặt tiền phần bia. Chị Bích Huệ cho biết, do tấm bia nằm trong hành lang bảo vệ quốc lộ 14 nên không thể thực hiện khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích được.

Tác giả (bìa phải) bên tấm bia di tích Điểm cuối đường Hồ Chí Minh

Tác giả (bìa phải) bên tấm bia di tích Điểm cuối đường Hồ Chí Minh

Cái nắng xế của chiều miền Đông trong không gian toàn bê tông và nhôm, kính của trung tâm thương mại như càng gắt hơn và khiến tôi lóa mắt. Nhìn vẻ mặt tôi, chị Bích Huệ chia sẻ: Biết là để tấm bia thế này không ổn, nhưng đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, thuộc quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã chỉ có thể làm báo cáo hiện trạng, đồng thời tham mưu UBND thị xã chuẩn bị quỹ đất cho việc di dời tấm bia ra khu trung tâm thương mại - dịch vụ Suối Đôi, cách nơi hiện hữu chừng 500m. Việc lập hồ sơ và phương án di dời tấm bia phải đợi tỉnh chị ạ!

Tôi thở phào. Không sớm thì muộn, việc di dời tấm bia di tích nhất định phải diễn ra!

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đầu năm 1973, Quân ủy Trung ương giao cho bộ đội Trường Sơn xây dựng hệ thống giao thông chiến lược Đông Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) thành quốc lộ xuyên Bắc - Nam để phục vụ nhu cầu quân sự và dân sinh. Lúc này, con đường từ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về Đồng Xoài vẫn chịu sự kiểm soát của ngụy quyền nên việc nối đường Trường Sơn theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương được thực hiện theo phương án nối theo ĐT741 từ huyện Bù Gia Mập qua Phước Long đến Chơn Thành. Do đó, điểm di tích này được xem là điểm cuối cùng của đoạn cuối đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Cuối năm 2018, điểm cuối đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Chơn Thành là một trong 9 điểm di tích trên tuyến đường Hồ Chí Minh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Trung tâm thương mại Plaza Chơn Thành về đêm - Ảnh: Quang Hùng

Tôi sờ tay lên mặt tấm bia. Thời gian, mưa nắng đã làm bong tróc một số chỗ, nhưng dòng chữ “Điểm cuối đường Hồ Chí Minh - Đầu năm 1975” vẫn rất rõ. Chợt bâng khuâng nghĩ, tấm bia đơn sơ này đã ghi dấu bao máu xương của bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Con đường này từng được các chuyên gia nghiên cứu quân sự thế giới đánh giá là công trình quân sự vĩ đại bậc nhất của nhân loại trong thế kỷ XX và người Mỹ đã chi hàng tỷ đô la hòng bóp nghẹt mạch máu giao thông của đường Hồ Chí Minh. Nhưng rồi các loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ đã thất bại trước ý chí chiến đấu sáng tạo, kiên cường của bộ đội Trường Sơn cùng lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Và khối lượng lớn sức người, sức của từ miền Bắc đã được chuyển vào chiến trường miền Nam trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, giúp bộ đội ta giành được những chiến công giòn giã và làm nên đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Sứ mệnh mới của đường Hồ Chí Minh

Sau ngày đất nước thống nhất, đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ lại gánh vác sứ mệnh lịch sử mới, phục vụ thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước. Năm 1997, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu để hình thành trục đường bộ xuyên Việt thứ hai (sau quốc lộ 1A) ở phía Tây Tổ quốc với tên gọi ban đầu là xa lộ Bắc Nam. Đến tháng 8-1998, xa lộ Bắc Nam được đổi tên thành đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài hơn 3.000km, đi qua 30 tỉnh, thành phố, bắt đầu từ Cao Bằng qua các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và kết thúc ở Cà Mau.

Năm 2007, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đi qua các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An với tổng chiều dài 72,75km được phê duyệt và khởi công xây dựng từ năm 2009. Sau nhiều năm gián đoạn, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với mục tiêu tiếp tục thi công hoàn thành các hạng mục dở dang, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Sự tác động từ nhiều phía, trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh đã góp phần khai phóng tiềm năng, làm “thay da, đổi thịt” nhiều vùng đất mà con đường đi qua, trong đó có thị xã Chơn Thành.

Từ ngày tái lập huyện Chơn Thành rồi nâng cấp thành thị xã vào năm 2022, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân thị xã Chơn Thành đã không ngừng khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển địa phương trên mọi mặt. Với những lợi thế về vị trí địa lý, đường giao thông, đất đai, nguồn nhân lực, tỉnh đã xác định Chơn Thành là trung tâm phát triển công nghiệp của Bình Phước nên quan tâm đầu tư rất lớn. Phát triển công nghiệp cũng là tiền đề để thị xã phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và các loại hình dịch vụ phụ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp, nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Với tầm nhìn chiến lược, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ Chơn Thành đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu với 58 chỉ tiêu cụ thể, 4 chương trình đột phá, 11 dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả chỉ tiêu, chương trình đột phá, dự án trọng điểm đều dựa trên các điều kiện của địa phương cùng quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân thị xã. Đến thời điểm này, có 26 chỉ tiêu vượt, 18 chỉ tiêu đạt; triển khai thực hiện 4 chương trình đột phá đạt kết quả tích cực; 6/11 dự án trọng điểm được thi công và hoàn thành trong năm 2025 và 3/11 dự án đang triển khai thực hiện.

Đến đô thị năng động, sinh thái, thông minh

Ngay sau ngày thành lập thị xã, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã Chơn Thành đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng đô thị phát triển văn minh, hiện đại. Thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; từng bước đồng bộ, nhất là một số công trình trọng điểm theo Đề án phát triển đô thị Chơn Thành giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Hiện trung tâm thị xã Chơn Thành và khu vực lân cận ngày càng có nhiều dự án khu dân cư, trung tâm thương mại - dịch vụ, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang dáng dấp đô thị hiện đại.

Màu xanh ấm no, hạnh phúc ở Chơn Thành - Ảnh: Quang Hùng

Thời điểm này, cùng với khẩn trương thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, cấp ủy, chính quyền thị xã Chơn Thành tập trung xây dựng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2025-2030 là phát triển công nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và nguồn nhân lực có chất lượng cao; phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ, du lịch; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cấp thị xã Chơn Thành lên đô thị loại III trong giai đoạn 2026-2030, cấp ủy, chính quyền thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và xúc tiến thu hút đầu tư.

Ai đó lâu ngày trở lại Chơn Thành sẽ thấy rõ, vùng đất bom cày, đạn xới năm xưa, nay đã trở thành những khu công nghiệp, đô thị sầm uất, hoa đã nở trên vùng đất gian khó năm nào. Với truyền thống cách mạng kiên cường cùng sự quan tâm của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thị xã, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, đặc biệt là sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Chơn Thành sẽ sớm trở thành đô thị “năng động, sinh thái, thông minh” của tỉnh Bình Phước và là một trong những vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171063/ghi-chep-tu-diem-cuoi-con-duong-mang-ten-bac