Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình
Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ
Ngay sau khi áp dụng việc cấp đổi GPLX ô tô theo hình thức TTTT, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, Sở GTVT và Bưu điện tỉnh phối hợp bố trí 2 bàn hỗ trợ công dân đến cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến. Tại đây, công dân không chỉ được tư vấn các bước nhập thông tin dữ liệu lên Cổng DVCQG mà còn được hỗ trợ chụp ảnh, scan file ảnh lên hệ thống để thực hiện các bước cấp đổi GPLX ô tô một cách thuận tiện. Trực tiếp đến TTPVHCC tỉnh làm thủ tục, anh Bùi Quang Học, xã Tây Phong (Cao Phong) cho biết: Tôi làm nghề lái xe tải, bằng lái xe của tôi chỉ còn ít ngày nữa là hết hạn. Vì vậy, khi có thông tin việc cấp đổi GPLX bằng hình thức trực tuyến tôi khá lo lắng vì mình không hiểu biết nhiều về công nghệ. Tuy nhiên, khi đến TTPVHCC tỉnh, được các bạn ở đây hướng dẫn, rất thuận tiện, chỉ mất 15 phút thao tác là hồ sơ được đẩy lên hệ thống của DVCQG.
Thực tế, anh Học cũng như các công dân khác không nhất thiết phải đến làm thủ tục tại TTPVHCC tỉnh mà đến Bưu điện trung tâm huyện và các điểm Bưu điện văn hóa xã đều có thể làm được thủ tục cấp đổi GPLX ô tô khi có đầy đủ giấy tờ. Chị Đỗ Thanh Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh, Bưu điện tỉnh cho biết: Để triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô theo hình thức TTTT, Bưu điện tỉnh đã bố trí, bổ sung nguồn lực cần thiết để đảm bảo các điểm Bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn trở thành điểm giới thiệu, hướng dẫn người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX ngay tại đây. Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT triển khai chuyển phát hồ sơ, chuyển trả cho người dân đã nộp hồ sơ cấp đổi trực tuyến và đăng ký nhận kết quả qua bưu điện trên Cổng DVCQG và tập huấn kỹ năng hỗ trợ người dân thực hiện cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến cho nhân viên bưu điện. Đến thời điểm này, ngoài điểm giao dịch tại TTPVHCC tỉnh đã có một số huyện như Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn, TP Hòa Bình có phát sinh hồ sơ và được xử lý kịp thời, đến nay đã có gần 100 hồ sơ được xử lý.
Là đơn vị chủ trì phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô TTTT, Sở GTVT đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các phần mềm để quản lý, xét duyệt hồ sơ trực tuyến. Đồng thời phối hợp Bưu điện tỉnh tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm việc tại các điểm Bưu điện văn hóa xã để có thể hướng dẫn người dân thủ tục nộp hồ sơ xin cấp GPLX ô tô trực tuyến một cách thuận tiện. Ngay trong những ngày đầu triển khai, Sở GTVT đã cử 2 cán bộ trực tiếp trực tại Trung tâm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và 2 cán bộ trực tại bộ phận một cửa của sở để hỗ trợ, hướng dẫn, đồng thời kiểm tra, xét duyệt các hồ sơ xin cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến.
Tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc
Việc cấp đổi GPLX ô tô TTTT trên Cổng DVCQG được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số nên có thể thực hiện được mọi lúc, mọi nơi bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, giúp người dân thuận lợi, chủ động đăng ký, kê khai thông tin qua mạng. Việc này không chỉ tạo sự minh bạch mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Tuy nhiên, để triển khai được một cách thuận tiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là sự đồng bộ trong thủ tục giấy tờ của công dân khi thực hiện dịch vụ. Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, người làm thủ tục cấp đổi GPLX phải có tài khoản đăng nhập hệ thống DVCQG. Song hiện nay, nhiều người không có tài khoản đăng nhập hệ thống này. Khi làm thủ tục phải đăng nhập hệ thống DVCQG đòi hỏi truy cập VNEID nhưng rất nhiều người không nhớ mật khẩu nên mất khá nhiều thời gian để thao tác. Chính vì vậy, theo đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Phó trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Bưu điện tỉnh, đối với tất cả các DVCTT, để có thể thuận lợi trong quá trình thực hiện thì tốt nhất người dân nên ra Công an xã, phường, thị trấn làm xác thực VNEID mức độ 2 trở lên, đồng thời lưu lại mật khẩu VNEID để có thể đăng nhập DVCTT một cách thuận lợi.
Vấn đề giấy khám sức khỏe (GKSK) điện tử cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số trung tâm y tế huyện chưa đủ điều kiện cấp GKSK, buộc người dân phải sang huyện khác hoặc lên tuyến tỉnh để khám sức khỏe. Mặt khác, hiện nay, một số trung tâm y tế khi viết số GKSK bản giấy cho công dân chưa theo chuẩn như trên hệ thống phần mềm, chính vì vậy khi người dân thực hiện truy cập GKSK điện tử thì không thể truy cập được. Giải thích rõ hơn về điều này, đồng chí Nguyễn Quốc Cường cho hay: Trong quá trình hướng dẫn người dân làm thủ tục, tôi thấy một số trung tâm y tế cấp GKSK bản giấy cho công dân là giấy viết tay, chính vì vậy vẫn còn những sai số. Cá biệt, có trung tâm tận dụng lại giấy từ các năm trước nên khi viết số không đúng so với GKSK điện tử. Như vậy, người dân không thể truy cập được GKSK điện tử trong quá trình làm thủ tục".
Qua thời gian ngắn triển khai, với sự phối hợp kịp thời, sát sao của các ngành, trong những ngày đầu triển khai cấp đổi GPLX ô tô TTTT đã được thực hiện kịp thời, tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, theo cán bộ trực tiếp hỗ trợ người dân, để người dân có thể chủ động thực hiện dịch vụ, đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không chỉ nắm bắt được thao tác, làm đúng quy trình nộp hồ sơ thực hiện các DVCTT mà còn nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng DVCTT là tất yếu, vừa thuận lợi, vừa tiết kiệm.