Ghi nhận tích cực từ thích ứng và hội nhập kinh tế quốc tế
Trước xu thế tất yếu của kinh tế thị trường, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) đang được tỉnh Thanh Hóa định hướng và hỗ trợ mạnh mẽ. Sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước cũng như nỗ lực, kinh nghiệm của các DN đã và đang mang lại những kết quả khá tích cực. Cùng với khởi sắc trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hoạt động xuất nhập khẩu của Thanh Hóa cũng đang chứng minh được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.
Từ đầu năm 2024, các DN xuất nhập khẩu Thanh Hóa lại phải đối diện với thách thức mới khi cước vận tải biển tăng gấp nhiều lần so với thời điểm cuối năm trước. Với thị trường châu Âu, căng thẳng chiến sự tại Biển Đỏ kéo dài đã khiến giá cước vận tải biển tăng từ 80%, thậm chí đến 300% so với tháng 12/2023. Chịu ảnh hưởng chung của thị trường, giá cước vận tải hàng hóa đi châu Á cũng tăng cao do tình trạng chậm lưu chuyển vỏ container và ùn tắc tại một số cảng khu vực. Trước bối cảnh này, nhiều DN đã chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh và định hướng thị trường của mỗi DN.
Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, trung bình mỗi tháng, DN xuất khẩu khoảng 50 container hàng thủy sản, chủ yếu sang thị trường châu Âu theo hình thức hợp đồng CIF (bên bán trả cước vận chuyển). Cùng với đàm phán, chia sẻ, hỗ trợ chi phí vận chuyển, DN đã đồng thời khai thác thêm một số thị trường gần, thị trường nội địa để tiết giảm chi phí. Biến động về cơ cấu thị phần, giá cả, điều kiện vận tải là những chuyển động liên tục của thị trường mà DN luôn phải năng động để thích ứng. Chia sẻ khó khăn với khách hàng, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận DN; nhưng đó là giải pháp cần thiết khi DN muốn giữ khách hàng truyền thống cũng như tạo uy tín để phát triển khách hàng mới.
Thông tin từ Sở Công Thương - cơ quan thường trực của Ban Hội nhập KTQT và Chỉ đạo chương trình xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, các hoạt động hội nhập KTQT được triển khai đa dạng. Cùng với các chuyên đề về tuyên truyền, phổ biến thông tin về hội nhập quốc tế và triển khai các quy định của pháp luật liên quan đến hội nhập được quan tâm thực hiện thường xuyên, Sở Công Thương đã phối hợp với các cục, vụ của Bộ Công Thương triển khai các hội nghị phổ biến nâng cao nhận thức về hội nhập KTQT, đặc biệt là thông tin thị trường đã ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và các biện pháp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế cho các cán bộ quản lý Nhà nước và DN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các khóa tập huấn chuyên sâu về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, RCEP, UKVFTA), kết nối trực tiếp DN với các thương vụ của Việt Nam đang phụ trách tại các nước đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ DN tìm “đúng”, “trúng” thị trường phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Với những nỗ lực đó, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của các DN trong tỉnh vẫn đạt tăng trưởng khá, với trị giá kim ngạch hơn 3,9 tỷ USD, tăng 20,7% so cùng kỳ và đạt 65,9% so với kế hoạch năm. Một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng cao như: may mặc, giày dép, xi măng, các sản phẩm sau lọc hóa dầu... Cũng trong 8 tháng qua, thu hút đầu tư FDI tiếp tục khởi sắc với 17 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 367,8 triệu USD, gấp 1,76 lần về số dự án và tăng 26,9% về số vốn đăng ký.
Công tác thu hút đầu tư và thu hút các nguồn vốn dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được xúc tiến mạnh mẽ. Ngoài 2 dự án ODA đang triển khai, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tiếp nhận 18 chương trình, dự án, phi dự án mới với tổng vốn viện trợ cam kết đạt hơn 9 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 56 tổ chức phi chính phủ nước ngoài; trong đó đang triển khai 40 chương trình, dự án với giá trị giải ngân 6 tháng năm 2024 ước đạt khoảng 2,7 triệu USD.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Hội nhập KTQT và Chỉ đạo Chương trình xuất khẩu, trong thời gian tới, một số giải pháp cụ thể hơn sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nhằm khắc phục một số những hạn chế về nhận thức, về năng lực hội nhập của DN trong tỉnh. Theo đó, Thanh Hóa định hướng sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố có mối quan hệ truyền thống, các đại sứ quán, cơ quan phát triển, các tổ chức quốc tế lớn; triển khai có hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, đối tác nước ngoài; nghiên cứu lựa chọn, thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác mới có tiềm năng thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có lợi thế về sản xuất, ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ cao như khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về hội nhập KTQT, đặc biệt triển khai tuyên truyền, tập huấn về các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP, EVFTA, EAEU FTA, UKVFTA nhằm cung cấp thông tin cho DN, tổ chức và cá nhân về các quy định tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, chất lượng hàng hóa nhập khẩu, rào cản thương mại, hàng hóa và phòng vệ thương mại của các nước đối tác trong các hiệp định, giúp các DN hiểu rõ hơn và thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước sẽ triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại địa phương, phát triển thương mại điện tử để tăng khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường của các DN trên địa bàn; chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, tiềm năng để vận động, kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư về logistics và cảng cạn ICD; tập trung thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh vào 6 trụ cột phát triển của tỉnh; đồng thời, chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ cao và sạch của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia Tây Âu.