Ghi nhận tinh thần đổi mới khi triển khai Chương trình mới tại tỉnh Hưng Yên

Khi đến thăm làm việc với các trường học tại tỉnh Hưng Yên, Đoàn giám sát ghi nhận sự phấn khởi của thầy trò khi triển khai chương trình mới.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Sáng 15/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Thành thạo các phương pháp giáo dục mới

Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, từ nhiều năm nay, tỉnh Hưng Yên đã phổ biến và chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới như dạy học tích cực, bàn tay nặn bột, nội dung giáo dục STEM... Do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen. Nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã xây dựng và ban hành các Chương trình, Đề án để phát triển giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với xu hướng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Công tác tuyên truyền tới nhân dân về những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục luôn được quan tâm. Cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội ủng hộ, quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thực hiện CT GDPT 2018, UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo viên.

Việc tập huấn, bồi dưỡng được thực hiện theo các nội dung như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng thực hiện CT GDPT 2018, bồi dưỡng giáo viên Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, giáo viên Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp THCS...

Hiện nay, cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ ở khối lớp 3 cấp tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở khối lớp 6,7 cấp THCS.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và tự chủ của nhà trường; sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện CT GDPT 2018.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, phát biểu tại buổi làm việc.

Ghi nhận tinh thần đổi mới

Nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong quá trình triển khai chương trình mới, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên, cho biết: CT GDPT 2018 tiếp tục được xây dựng trên quan điểm giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ. Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên đáp ứng yêu cầu trên.

Ngoài ra, ngành Giáo dục tổ chức tập huấn bổ sung cho thầy cô ở các trường có nhu cầu. Một số nội dung tập huấn khó hoặc môn học mới, Sở GD&ĐT đã mời chuyên gia về tập huấn cho giáo viên, trong đó, chú trọng tập huấn đổi mới phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học tích cực.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phê chia sẻ Hưng Yên đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, dẫn đến gia tăng dân số cơ học. Một số cơ sở giáo dục gặp phải tình trạng quá tải sĩ số nên còn khó khăn khi triển khai chương trình mới.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng nhận định một số hạn chế. Do thay đổi về trình độ đào tạo đối với giáo viên khối mầm non và tiểu học theo Luật Giáo dục năm 2019 nên nguồn tuyển dụng đối với 3 cấp học còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, môn học, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát vị trí việc làm, số lượng, tiêu chuẩn và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học. Đồng thời, quan tâm, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên theo quy định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng thăm làm việc tại Trường THPT Chuyên Hưng Yên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng thăm làm việc tại Trường THPT Chuyên Hưng Yên.

Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn gặp khó khăn về in ấn, phát hành. Việc bồi dưỡng các mô đun chủ yếu thông qua hình thức online nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bồi dưỡng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với ngành Giáo dục nói chung và việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Ông Đinh Công Sỹ cho hay, cảm nhận đầu tiên của Đoàn giám sát khi đến thăm làm việc với các cơ sở giáo dục tại tỉnh Hưng Yên là giáo viên vui vẻ, phấn khởi khi được trao quyền chủ động, sáng tạo khi dạy học theo chương trình mới. Còn học sinh hào hứng, thích thú khi tham gia các hoạt động thực tế, vận dụng kiến thức mới vào cuộc sống. Điều đó góp phần cho thấy nỗ lực của tỉnh Hưng Yên và ngành Giáo dục Hưng Yên trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Chia sẻ với khó khăn của tỉnh Hưng Yên khi triển khai chương trình mới, các thành viên Đoàn giám sát đồng thời ghi nhận những đánh giá, số liệu, kiến nghị trong báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên. Hai bên đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề cùng quan tâm như việc lựa chọn sách giáo khoa; biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị đội ngũ nhà giáo triển khai CT GDPT 2018...

Phạm Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ghi-nhan-tinh-than-doi-moi-khi-trien-khai-chuong-trinh-moi-tai-tinh-hung-yen-post630155.html