Ghi nhận từ Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS
Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS tỉnh Hà Nam năm học 2024-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức có sự tham gia của 84 giáo viên đến từ các trường THCS trong toàn tỉnh. Đây là một trong nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua 'Dạy tốt - Học tốt' của ngành Giáo dục. Với mỗi giáo viên tham gia hội thi, mục tiêu đạt được không chỉ là sự suy tôn về năng lực sư phạm khi được trao giấy chứng nhận 'Giáo viên dạy giỏi', mà còn là cơ hội để mỗi người học tập, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn…
Để được tham gia Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh là mong ước của rất nhiều giáo viên. Theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, các hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông được tổ chức theo chu kỳ đối với cấp tỉnh là 4 năm/lần, do Sở GD&ĐT tổ chức. Trong đó, tiêu chuẩn để được tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS cấp tỉnh, giáo viên phải đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự hội thi cấp trường (bảo đảm đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi và các tiêu chí của tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ đạt mức tốt); có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện trong 2 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm tham dự hội thi. Vì thế, để được tham gia hội thi lần này, 100% giáo viên đã đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn, tiêu chí; có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm vững vàng.
Dự thi, cô giáo Vũ Thị Hồng Vân, giáo viên môn Tin học, Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý) ngoài việc có đủ các tiêu chuẩn theo quy định còn rất cố gắng trong việc làm tốt công tác chuẩn bị hai phần thi dạy thực hành và trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục giáo viên đang làm việc. Cô giáo Vũ Thị Hồng Vân cho biết: Chúng tôi có hai ngày để chuẩn bị bài giảng sau khi bốc thăm phần thi bài dạy thực hành theo quy định. Tiết dạy theo yêu cầu được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó; không được dạy trước, dạy thử tiết dạy này. Với bản thân tôi, áp lực lớn nhất khi tham gia phần thi thực hành chính là điều kiện cơ sở vật chất, phòng máy nơi tổ chức hội thi mình chưa biết hoạt động thế nào, kết nối có trơn tru không, các thao tác trên máy có bảo đảm không gặp vấn đề kỹ thuật không? Thêm nữa, mình lại thi ngay sau lễ khai mạc hội thi, vì thế thời gian chuẩn bị không nhiều, chỉ có 15 phút làm quen học sinh của Trường THCS thị trấn Quế, nơi diễn ra hội thi trước khi chính thức thi. Nhưng vì có kinh nghiệm thi từ hội thi giáo viên dạy giỏi của trường, của thành phố mới tổ chức nên tôi đã bình tĩnh, chủ động triển khai bài giảng một cách tích cực nhất, tạo hứng thú cho học sinh.
Còn với cô giáo Phạm Thị Dung, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Đinh Công Tráng (huyện Thanh Liêm), trong phần thi dạy thực hành đã bốc thăm thực hiện bài giảng ngữ văn lớp 6 “Cây tre Việt Nam”. Tiếp cận với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong 5 năm qua, cô giáo Phạm Thị Dung đã có phương pháp kỹ thuật vững vàng để triển khai bài giảng theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, khó khăn đối với giáo viên chính là việc tiếp cận, trình bày, giảng giải các ngữ liệu mới như thế nào cho hiệu quả. Cô giáo Phạm Thị Dung chia sẻ: Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn đề cập đến một số thể loại văn học mới mà chương trình cũ chưa từng đề cập, trong khi tài liệu nghiên cứu hay khai thác về nó còn hạn chế. Vì thế, chúng tôi đã phải công phu nghiên cứu, tổng hợp để hướng dẫn học sinh tiếp cận các ngữ liệu này trong tiết dạy của mình. Rất thuận lợi, các em học sinh đã cơ bản tiếp cận chương trình mới khá chủ động, tích cực nên tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thành tốt phần thi…
Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS tỉnh Hà Nam năm học 2024-2025 được tổ chức đối với 6 môn, gồm: Ngữ văn (có 18 giáo viên dự thi), Khoa học tự nhiên (có 18 giáo viên dự thi), Lịch sử - Địa lý (có 15 giáo viên dự thi), Mỹ thuật (có 13 giáo viên dự thi), Tin học (có 11 giáo viên dự thi), Công nghệ (có 10 giáo viên dự thi). Ông Ngô Quang Tuệ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Hội thi không chỉ là một cuộc tranh tài về chuyên môn, mà còn hướng tới thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá năng lực học sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của người học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông. Hội thi còn là dịp để các trường THCS trên địa bàn tỉnh thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục...
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo hội thi, 100% các kế hoạch bài dạy được thiết kế theo các nhóm hoạt động (hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giáo viên; hoạt động học tập của học sinh) phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học, chương trình môn học; giáo viên đã chú ý đến việc vận dụng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; các tài liệu, phương tiện, thiết bị dạy và học cũng được quan tâm đúng mức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động dạy học đã được hầu hết giáo viên vận dụng chủ động, linh hoạt; sử dụng các phương tiện dạy học, đồ dùng thiết bị dạy học tương đối hợp lí, khoa học. Có những tiết dạy học đã thể hiện sự đột phá về chuyển đổi số trong dạy học; giáo viên và học sinh đã áp dụng thành thạo nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng trực tuyến trong đổi mới cách thức tổ chức hoạt động học tập và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá trong giờ học. Đặc biệt, với các tiết dạy liên môn, giáo viên đã thể hiện rõ việc dạy học tích hợp, liên môn, lồng ghép giáo dục môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, liên hệ vận dụng thực tiễn tạo hứng thú cho học sinh tham gia. Trong các tiết học, học sinh chủ động, sáng tạo, tích cực hợp tác, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập, thuyết trình tốt, tự tin trình bày ý tưởng, quan điểm, ý kiến cá nhân. Phương thức đánh giá kết quả của học sinh tại hầu hết các giờ dạy đều đa dạng, phong phú; trong đó, chú trọng việc tự đánh giá, việc tham gia đánh giá của học sinh và nhóm học sinh đối với các sản phẩm học tập.
Hội thi khép lại với 76/84 giáo viên được công nhận Giáo viên dạy giỏi các môn thi. Cô giáo Phạm Thị Dung, Trường THCS Đinh Công Tráng (huyện Thanh Liêm) xúc động chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Qua đó tạo thương hiệu quý giá cho chúng tôi sau bao nỗ lực cố gắng. Bởi vì, để tham gia hội thi, mỗi giáo viên có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước đó, trong đó tập trung nhất cho phần thi trình bày biện pháp. Chúng tôi đã phải nghiên cứu thực trạng nội dung mình chọn ở ngay trường mình, sau đó làm khảo sát, phỏng vấn, rồi tổng hợp và đánh giá cả một quá trình các em học sinh tiếp cận bài học, môn học nội dung mình đề cập như thế nào. Ngoài ra, hội thi là cơ hội để những giáo viên chúng tôi thể hiện, học tập, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy, khai thác hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học. Thực sự, đây là động lực để giáo viên tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hội thi còn bộc lộ một số hạn chế như: một số giáo viên còn lúng túng trong việc hướng dẫn học sinh hoạt động; phân bố thời gian chưa hợp lý, ảnh hưởng đến việc hướng dẫn học sinh tự học ở nhà. Thậm chí, có giáo viên còn làm thay nhiệm vụ học tập của học sinh; khả năng bao quát học sinh trong lớp còn hạn chế dẫn đến tình trạng một số học sinh còn chưa tập trung vào bài học, chưa tham gia tích cực các hoạt động học tập. Việc khai thác đồ dùng thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức… Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng, chính xác về những hạn chế này sẽ giúp ngành Giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên nói riêng rút kinh nghiệm, có những biện pháp khắc phục để những hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức trong những năm sau sẽ đạt kết quả khả quan hơn nữa