Ghi nhận về tình hình phát triển chăn nuôi và thú y tại Thanh Hóa
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình phát triển chăn nuôi và công tác thú y trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.080 trang trại và 738.004 hộ chăn nuôi, trong đó: Chăn nuôi lợn có 582 trang trại (có 38 trang trại quy mô lớn) và 88.070 hộ chăn nuôi; chăn nuôi gia cầm có 415 trang trại (có 06 trang trại quy mô lớn) và 481.024 hộ chăn nuôi; chăn nuôi trâu, bò có 83 trang trại (có 06 trang trại quy mô lớn) và 168.910 hộ chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1,28 triệu con lợn, 26,9 triệu con gia cầm, 155 nghìn con trâu, 248 nghìn con bò.
Việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp hoạt động chăn nuôi quy mô lớn, liên kết với các hộ dân theo hình thức gia công, điển hình là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (liên kết với 92 trang trại lợn, 42 trang trại gia cầm), Công ty TNHH CJ Vina (liên kết với 18 trang trại lợn), Công ty Japfa Việt Nam (liên kết với 04 trang trại lợn, 125 trang trại gia cầm), Công ty TNHH chăn nuôi GoldenStar (liên kết với 45 trang trại gia cầm) . Các doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn, gắn với nhà máy chế biến, giết mổ và xuất khẩu sản phẩm như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH, Tập đoàn DABACO, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia...
Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, đảm bảo các quy định về an toàn dịch bệnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh không để xảy ra ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản. Kết quả tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 vượt 5,06% kế hoạch.
Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh và tại các trạm kiểm dịch động vật được tăng cường; đã kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh đối với 675 con trâu, bò, 176.732 con lợn thịt, 158.048 con lợn con nuôi thương phẩm, 816.100 con gia cầm giống, 2.069.456 con gia cầm thịt; tại các trạm kiểm dịch động vật đã thực hiện kiểm dịch đối với 223 con trâu, bò giống, 6.853 con trâu, bò thịt, 89.977 con lợn thịt, 64.253 con lợn con nuôi thương phẩm, 997.000 con gia cầm giống.
Việc kiểm soát giết mổ có chuyển biến tích cực, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát giết mổ 4.540 con trâu, bò, 55.886 con lợn và 1.445.730 con gia cầm. Công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được chú trọng; từ đầu năm 2024 đến nay, đã xây dựng và chứng nhận được 02 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; lũy kế đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 106 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (gồm: 52 cơ sở chăn nuôi lợn, 04 cơ sở chăn nuôi bò, 50 cơ sở chăn nuôi gia cầm).
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm lĩnh vực chăn nuôi, thú y được tăng cường; từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra 53 cơ sở buôn bán thuốc thú y, 32 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; xử lý vi phạm 20 cơ sở (gồm: 01 cơ sở giống vật nuôi, 01 phòng khám thú y; 14 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 04 cơ sở kinh doanh thuốc thú y), thu nộp ngân sách nhà nước 227,9 triệu đồng.