Ghi ơn tấm gương y đức sáng ngời

Ghi ơn những thế hệ đi trước đã cống hiến cho xã hội, bên cạnh lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chương trình Mai Vàng tri ân đến thăm và tặng quà GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là trường hợp đầu tiên của ngành y tế

Ngày 23-2, chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).

Xúc động và bất ngờ

Đến thăm GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã thăm hỏi, cảm ơn bà vì đã có nhiều đóng góp cho ngành y, đặc biệt là chuyên ngành sản phụ khoa của Việt Nam.

"Cảm ơn bác sĩ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua, ngay cả lúc nghỉ hưu vẫn tận tụy, dành tâm sức và thời gian với công việc" - ông Tô Đình Tuân bày tỏ. Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của chương trình "Mai Vàng tri ân", đó là ngoài việc cảm ơn những người đi trước như bác sĩ, còn là thông điệp gửi đến thế hệ tương lai không bao giờ được quên những đóng góp của thế hệ tiền bối.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, bày tỏ: "Với những thành tựu đạt được của ngành y Việt Nam nói chung và sản phụ khoa nói riêng được xem ngang bằng với trình độ thế giới. Mong rằng GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn mạnh khỏe để truyền thêm động lực và nâng cao trình độ cho các bác sĩ trẻ sau này".

Đón nhận phần quà, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói bà cảm thấy niềm vui nhân đôi khi ngày Thầy thuốc Việt Nam được lãnh đạo Báo Người Lao Động và Ngân hàng TMCP Nam Á quan tâm, thăm hỏi. Bà ôn lại những kỷ niệm vui buồn trong quá trình làm nghề, cũng như những buổi đầu khi triển khai kỹ thuật điều trị hiếm muộn.

"Tôi cảm thấy xúc động và bất ngờ khi là người trong lĩnh vực y khoa được chương trình "Mai Vàng tri ân" đến thăm và trao quà. Đây là sự động viên và tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục làm việc, truyền cảm hứng về nghề cho các bác sĩ trẻ. Tôi chúc chương trình "Mai Vàng tri ân" phát triển lâu dài và chọn thêm được nhiều người xứng đáng để tri ân" - GS Ngọc Phượng chia sẻ.

GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ 4 từ trái qua) chụp hình lưu niệm với Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (thứ 5 từ trái qua), Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á Hoàng Việt Cường (thứ 3 từ trái qua) cùng các thành viên của chương trình “Mai Vàng tri ân”Ảnh: TẤN THẠNH

GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (thứ 4 từ trái qua) chụp hình lưu niệm với Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (thứ 5 từ trái qua), Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á Hoàng Việt Cường (thứ 3 từ trái qua) cùng các thành viên của chương trình “Mai Vàng tri ân”Ảnh: TẤN THẠNH

Một đời rạng danh y đức

Trong quá trình làm nghề, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn trăn trở khi tỉ lệ phụ nữ tại Việt Nam bị vô sinh ngày càng nhiều. "Từng là một bác sĩ sản khoa, tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều phụ nữ hiếm muộn. Qua những tâm sự của họ, tôi rất thương. Thậm chí nhiều người còn chịu áp lực tâm lý khắt khe từ nhà chồng. Họ nỡ buông những câu như: "Cây độc không trái, gái độc không con"… làm tổn thương sâu sắc đến người phụ nữ" - GS Ngọc Phượng tâm sự.

Với những trăn trở đó, GS Ngọc Phượng luôn ấp ủ mong ước giúp phụ nữ Việt Nam tìm con. Bà đã học hỏi và từng bước lên kế hoạch đưa phương pháp thụ tinh nhân tạo về Việt Nam. Bà xây dựng nền móng vững chắc tại Bệnh viện Từ Dũ với những chuyên khoa hỗ trợ như khoa nội soi, khoa xét nghiệm, xây dựng ngân hàng tinh trùng, mua máy siêu âm…

Để giải quyết vấn đề kinh phí mua máy, trong thời gian sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ, BS Ngọc Phượng đã tiết kiệm tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, cộng với khoản học bổng được cấp hằng tháng để mua máy móc, thiết bị y tế gửi về Việt Nam. Khi trở về Việt Nam, bà tiếp tục cử nhiều bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt sang Pháp học tập về kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.

Sau 13 năm chuẩn bị, năm 1997, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã đưa thành công kỹ thuật thụ tinh nhân tạo về Việt Nam. Ngày 30-4-1998, 3 em bé đầu tiên được thụ tinh bằng ống nghiệm đã chào đời. Sự thành công này mở ra niềm hy vọng cho nhiều phụ nữ vô sinh, hiếm muộn, đồng thời đánh dấu sự phát triển của y học Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời gắn bó với lĩnh vực sản phụ khoa, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã có nhiều công trình nghiên cứu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ như: Kỹ thuật nội soi trong phụ khoa; phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung; áp dụng phương pháp miễn dịch để chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi; ảnh hưởng của chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và các biện pháp khắc phục. Bà là người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ của Pháp, Khoa Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ được thành lập và đến nay công trình này được công nhận là đứng đầu trong nước về kỹ thuật nội soi phụ khoa.

Ngoài ra, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn là người có nhiều công lao trong việc thành lập Viện Tim TP HCM.

Với những thành tựu và đóng góp lớn cho sự phát triển ngành y, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu cao quý. Năm 2000, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Bệnh nhân yêu quý, đồng nghiệp kính trọng

Suốt cuộc đời gắn bó, tận tụy với ngành y nói chung, lĩnh vực sản phụ khoa nói riêng, GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bà không chỉ được bệnh nhân yêu quý, đồng nghiệp kính trọng mà còn nhận được sự tín nhiệm khi từng được giao nhiều trọng trách như: Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ; Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản Trường Đại học Y Dược TP HCM; Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giám đốc Viện Tim TP HCM...

Không dừng lại ở đóng góp cho ngành y, dù đã về hưu nhưng GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn dành thời gian và tâm sức cho những gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn với chương tình "Ươm mầm hạnh phúc". Từ năm 2014 đến nay, chương trình đã đồng hành với gần 400 cặp vợ chồng mong con có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ chạm đến ước mơ gia đình hạnh phúc.

Sáng nay, Báo Người Lao Động tổ chức tư vấn trực tuyến về ung thư, đột quỵ

8 giờ 30 phút hôm nay (24-2), Báo Người Lao Động tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Ung thư, đột quỵ: Cách phòng tránh và xử trí". Chương trình có sự tham gia của các bác sĩ chuyên về ung thư, đột quỵ, tim mạch ở Việt Nam và TP HCM gồm: PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115; ThS-BS CK2 Phan Tấn Thuận, Phó trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học Bệnh viện Ung Bướu; ThS-BS Đặng Duy Phương, Phó Khoa Tim mạch can thiệp Viện Tim TP HCM; TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ S.I.S Cần Thơ; ThS-BS CK2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Tại buổi tư vấn, các bác sĩ sẽ giải đáp, tư vấn cho bạn đọc Báo Người Lao Động nói riêng và người dân nói chung về các vấn đề liên quan đến những căn bệnh thời đại được quan tâm nhiều hiện nay là ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Trong đó, chú trọng cách thức phòng bệnh và giải pháp xử trí khi có bệnh, hướng chữa trị, tiến bộ khoa học, chi phí điều trị, phân bổ tài chính... Phân tích, làm rõ thêm vì sao bệnh nhân ngày càng trẻ hóa...

Chương trình nhằm tri ân ngành y, đội ngũ y - bác sĩ nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023). Nội dung được tường thuật trên Báo Người Lao Động điện tử (nld.com.vn) và các phương tiện xuất bản khác của báo.

N.Thuận

Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/ghi-on-tam-guong-y-duc-sang-ngoi-20230223215824357.htm