Giá bạc biến động ra sao thời gian tới?

Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, nếu nhu cầu công nghiệp duy trì đà tăng mạnh và tâm lý phòng thủ lan rộng hơn, giá bạc hoàn toàn có thể tiến gần mốc 40 USD/ounce trong năm nay.

Giá bạc thế giới và trong nước kể từ đầu năm cho tới nay có chiều hướng đi lên. Ảnh minh họa

Giá bạc thế giới và trong nước kể từ đầu năm cho tới nay có chiều hướng đi lên. Ảnh minh họa

PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường bạc trong nước và thế giới từ đầu năm 2025 đến nay?

Ông Dương Đức Quang: Mặc dù chưa sôi động bằng thị trường vàng, nhưng tôi cho rằng, từ đầu năm tới nay, thị trường bạc cũng có nhiều diễn biến khá hấp dẫn. Đáng chú ý, trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3/2025, giá bạc đã tăng hơn 17% so với cuối năm 2024. Nổi bật, đóng cửa giao dịch ngày 27/3, giá mặt hàng này đã sát mốc 35 USD/ounce, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2012.

Yếu tố vĩ mô và cung - cầu hỗ trợ lực mua trên thị trường bạc

Phó Tổng Giám đốc MXV Dương Đức Quang cho rằng, trong các phiên giao dịch gần đây, các yếu tố vĩ mô và cung - cầu vẫn đang tiếp tục hỗ trợ lực mua trên thị trường bạc thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, bước sang tuần đầu tháng 4, thị trường bạc lại ghi nhận một nhịp điều chỉnh đáng kể, đóng cửa ngày 4/4, bất ngờ lao dốc tới hơn 8% chỉ sau một phiên giao dịch xuống còn khoảng 29 USD/ounce. Như vậy, chỉ sau 4 phiên, giá mặt hàng đã đánh mất 5 USD/ounce, lùi về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2024. Nguyên nhân là do hiện tượng chốt lời và bán tháo các hợp đồng đã mua trước đó trên thị trường kỳ hạn. Tâm lý lo ngại rủi ro bao trùm thị trường tài chính trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế dẫn đầu thế giới là Mỹ - Trung Quốc liên tiếp đưa ra các đòn thuế đối ứng. Bạc đóng vai trò là tài sản trú ẩn an toàn thời điểm này phải đối mặt với áp lực bán mạnh khi các nhà đầu tư quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp.

Mặc dù thị trường bạc thế giới khởi động tháng 4 với tuần giao dịch trầm lắng nhưng sau đó giá mặt hàng này đã dần đi lên. Kể từ phiên giao dịch ngày 14/4 cho tới nay, giá bạc luôn neo trên vùng 32 USD/ounce. Hai phiên giao dịch gần nhất, mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng. Đóng cửa phiên 23/4, giá bạc tiếp tục tăng gần 2% lên sát mốc 34 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá bạc nhìn chung diễn biến đồng pha với xu hướng thế giới, dù thường có độ trễ khoảng một vài phiên giao dịch. Trong quý I/2025, giá bạc miếng loại 999 ghi nhận xu hướng tăng liên tục theo đà đi lên của thị trường quốc tế. Ghi nhận trong sáng ngày 24/4, giá bạc miếng 999 ở ngưỡng 1.283.000 - 1.323.000 đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 14.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 66.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm tháng trước.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong mấy tháng qua?

Ông Dương Đức Quang: Tôi cho rằng thị trường hàng hóa nói chung và thị trường bạc nói riêng kể từ đầu năm cho tới nay chịu ảnh hưởng mạnh từ những diễn biến về chính sách thuế quan của Mỹ. Như tôi đã phân tích ở trên, tại thời điểm Mỹ áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời cũng công bố lộ trình áp thuế lên ô tô và linh kiện ô tô thì thị trường tài chính và hàng hóa đã phản ứng ngay lập tức. Đã có thời điểm giá bạc tăng vọt lên sát 35 USD/ounce, nhưng có thời điểm đột ngột quay đầu đánh mất 8% chỉ sau một phiên xuống mức 29 USD/ounce.

Chúng ta thấy, giá bạc thế giới và trong nước kể từ đầu năm cho tới nay có chiều hướng đi lên chủ đạo. Ngoài yếu tố vĩ mô, còn có yếu tố cung - cầu quyết định lên diễn biến này. Nhiều khả năng, năm 2025, thị trường bạc sẽ phải đối mặt với năm thứ 5 nguồn cung bị thâm hụt trong khi nhu cầu công nghiệp và điện khí hóa, phát triển năng lượng xanh của nhiều quốc gia vẫn đang không ngừng phát triển.

Thị trường bạc trong nước theo tôi cũng biến động khá đồng pha với giá bạc thế giới. Ví như ngày 4/4 vừa qua, giá bạc thế giới và cả trong nước đều ồ ạt giảm. Trong đó, giá bạc miếng 999 trong nước niêm yết ở ngưỡng 1.224.000 - 1.262.000 đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 77.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 79.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng hôm trước, đây là mức thấp nhất trong vòng hơn 4 tuần.

Lý do là bởi làn sóng bán tháo chốt lời sau một giai đoạn giá bạc tăng nóng trước đó. Cũng trong thời điểm này, trên các thị trường tài chính khác, chỉ số USD cũng sụt giảm, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Bên cạnh đó, giá dầu thô WTI lao dốc, hiện giao dịch quanh 66,25 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện khoảng 4,05%. Những yếu tố này cộng hưởng khiến cho giá bạc bị đẩy xuống sâu chỉ trong 4 phiên suy yếu liên tiếp.

PV: Dự báo giá bạc trong nước và thế giới thời gian tới sẽ diễn biến ra sao trước những căng thẳng vĩ mô ngày càng gia tăng, thưa ông?

Ông Dương Đức Quang: Theo tôi, cho tới nay, mặt hàng này vẫn giữ được động lực tăng giá là nhờ vào nhu cầu phòng vệ tài chính cao trong bối cảnh căng thẳng vĩ mô kéo dài. Dự kiến trong năm nay, đây cũng là một trong những yếu tố mang tính quyết định lên diễn biến giá bạc. Nếu căng thẳng thương mại không chỉ dừng lại ở hai đầu Mỹ - Trung mà lan rộng ra với quy mô toàn cầu sau tháng 7 tới, tôi cho rằng, giá kim loại quý, trong đó có giá bạc sẽ tăng rất mạnh do nhu cầu trú ẩn tăng cao.

Còn nếu như các cuộc đối đầu thương mại hạ nhiệt và chuyển sang đối thoại, giá bạc sẽ vẫn lập thêm một số mức cao mới, bởi vì dù so với tốc độ tăng của giá vàng thì bạc vẫn nhẹ nhàng hơn, ít kịch tính hơn. Tuy nhiên, với vai trò kép vừa là tài sản tài chính, vừa là nguyên liệu sản xuất công nghiệp, bạc sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.

Cho dù nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu công nghiệp của bạc, vốn chiếm khoảng một nửa tiêu thụ toàn cầu, nhưng quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh vẫn đang tiếp tục phát triển cho dù nền kinh tế có suy thoái. Ví dụ, các ngành như xe điện, năng lượng tái tạo và công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng góp phần nâng đỡ giá bạc. Đây đều là những lĩnh vực được các nền kinh tế lớn ưu tiên phát triển, đi kèm làn sóng đầu tư quy mô lớn vào mở rộng sản xuất và ứng dụng công nghệ.

Với các yếu tố hỗ trợ hiện tại, tôi nhận định giá bạc thế giới trong quý II nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng 32 - 35 USD/ounce. Trong kịch bản tích cực, nếu nhu cầu công nghiệp duy trì đà tăng mạnh và tâm lý phòng thủ lan rộng hơn, giá bạc hoàn toàn có thể tiến gần mốc 40 USD/ounce trong năm nay.

Tại Việt Nam, giá bạc nội địa nhiều khả năng sẽ ổn định trong vùng 1.055.000 - 1.065.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1.085.000 - 1.095.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Diễn biến trong nước dự kiến sẽ bám khá sát với xu hướng giá thế giới, phản ánh đúng thực trạng các yếu tố đang chi phối thị trường hiện nay, bao gồm cả tâm lý phòng vệ trước rủi ro vĩ mô lẫn nhu cầu công nghiệp ngày càng gia tăng đối với bạc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-bac-bien-dong-ra-sao-thoi-gian-toi-175462-175462.html