Giả bác sĩ để bán thuốc, thu lợi bất chính 75 tỷ đồng

Bằng cách giả danh bác sĩ, đối tượng tiếp cận người có bệnh, dụ dỗ mua thuốc để chiếm đoạt tiền.

 Nhóm đối tượng thu lợi gần 75 tỷ đồng nhờ giả mạo bác sĩ để bán thuốc. Ảnh: ThinkStock.

Nhóm đối tượng thu lợi gần 75 tỷ đồng nhờ giả mạo bác sĩ để bán thuốc. Ảnh: ThinkStock.

Trong bản tin tuần qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo trên Internet mà người dùng cần đề phòng.

Một số hình thức lừa đảo được nhấn mạnh bao gồm giả mạo bác sĩ để bán thuốc, giả người thân nhờ chuyển tiền và lừa mua hàng để chiếm tiền cọc.

Giả danh bác sĩ, cặp vợ chồng thu lợi gần 75 tỷ đồng

Công an Bắc Giang vừa phá chuyên án liên quan đến nhóm đối tượng giả danh bác sĩ, quảng cáo sai sự thật để bán thuốc. Trong hơn một năm, những đối tượng này bán hơn 80.000 đơn thực phẩm chức năng cho hơn 20.000 bị hại, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng.

Trước đó, một phụ nữ 57 tuổi (ngụ huyện Tân Yên, Bắc Giang) đến Công an huyện Tân Yên trình báo sự việc bị lừa bởi đối tượng tự xưng là giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

 Cặp vợ chồng tạo lập công ty giả mạo bác sĩ, thu lợi bất chính nhờ bán thuốc kém chất lượng. Ảnh: Cục ATTT.

Cặp vợ chồng tạo lập công ty giả mạo bác sĩ, thu lợi bất chính nhờ bán thuốc kém chất lượng. Ảnh: Cục ATTT.

Nạn nhân được đối tượng tư vấn mua nhiều loại thuốc. Do trong cơ thể có bệnh, người này mua về và sử dụng, nhưng càng uống càng thấy mắt sưng to.

Sau thời gian sử dụng không hiệu quả, nạn nhân phản ánh nhưng bị đối tượng mời chào các loại thuốc “đắt nhưng hiệu quả nhanh”, bao gồm nấm linh chi. Cuối cùng, toàn bộ 237 triệu đồng được người này chuyển cho đối tượng bị chiếm đoạt.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định đối tượng là nhân viên Công ty TNHH Bảo Long Dược, địa chỉ tại Hà Nội. Kẻ này chuyên giả mạo bác sĩ để lừa bán thuốc.

Sau khi khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc và những địa điểm liên quan của công ty trên, cơ quan chức năng đã thu giữ 287 thùng carton chứa các loại thuốc, 68 máy tính và laptop, 267 địen thoại và giấy tờ, tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo của các đối tượng.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ mạng xã hội, tránh nghe tư vấn trên các website nếu chưa thể xác định độ uy tín và an toàn.

Người dân chỉ nên đến cơ sở y tế được cấp phép để những chuyên gia khám, hướng dẫn chữa trị và mua thuốc tại các cơ sở uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định.

Lừa bán hàng qua mạng, chiếm đoạt gần 12 tỷ đồng

Công an TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, vừa triệt phá nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bán hàng qua mạng rồi chiếm đoạt tiền cọc, tạm giữ hình sự Đàm Văn Tuyên (33 tuổi, ngụ quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) để điều tra hành vi, đồng thời mở rộng điều tra, làm rõ đối tượng liên quan.

Từ đầu 2021, Tuyên lập nhiều tài khoản mạng xã hội, đăng bán sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng lên các nhóm. Để tăng uy tín, đối tượng dùng ảnh từ Internet làm ảnh sản phẩm rồi gửi cho khách.

 Nhận tiền cọc nhưng không giao hàng, đối tượng lừa đảo thu về gần 12 tỷ đồng trong hơn 2 năm. Ảnh: Cục ATTT.

Nhận tiền cọc nhưng không giao hàng, đối tượng lừa đảo thu về gần 12 tỷ đồng trong hơn 2 năm. Ảnh: Cục ATTT.

Khi có người liên hệ mua hàng, đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc qua tài khoản ngân hàng.

Sau khi nhận tiền cọc, đối tượng viện lý do mình hoặc người thân bị bệnh, phải cấp cứu tại bệnh viện để yêu cầu khách hàng chuyển thêm tiền rồi mới hẹn ngày giao hàng. Nếu khách hàng từ chối, tên này lập tức chặn liên lạc.

Với cùng thủ đoạn, từ đầu năm 2021 đến nay, đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền cọc của 3.109 người ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với số tiền gần 12 tỷ đồng.

Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác khi mua, bán hàng trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử.

Người dân nên kiểm tra thông tin người bán, chỉ giao dịch khi đã xác thực độ uy tín. Ngoài ra, cần đảm bảo người bán cung cấp đủ thông tin, hình ảnh và mô tả sản phẩm, tham khảo đánh giá từ người mua khác.

Khi chưa xác định độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm, không được thanh toán dưới mọi hình thức. Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu về chính sách bảo hành, hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Ngăn chặn vụ lừa đảo 90 triệu đồng trên Facebook

Nhận được tin nhắn chuyển tiền từ Facebook mạo danh con trai, người phụ nữ ra tiệm vàng nhờ chuyển khoản, nhưng được chủ tiệm vàng và công an kịp thời ngăn chặn.

 Thủ đoạn mạo danh người thân để lừa chuyển tiền liên tục tái diễn. Ảnh: Cục ATTT.

Thủ đoạn mạo danh người thân để lừa chuyển tiền liên tục tái diễn. Ảnh: Cục ATTT.

Sáng 19/12, bà Đ.T.H. (sinh năm 1971, ngụ thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nhận tin nhắn trên Facebook từ con trai làm việc tại nước ngoài, nhờ chuyển 90 triệu đồng vào số tài khoản lạ để giúp bạn.

Do tin tưởng, bà H. đến một tiệm vàng tại địa phương để nhờ chuyển tiền vào số tài khoản. Nhận thấy biểu hiện tâm lý bất an của bà H., chủ tiệm vàng hỏi kỹ hơn mục đích chuyển tiền, sau đó thông báo cho Công an xã Kỳ Phong.

Trước tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng phức tạp, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác. Khi vay mượn hay chuyển khoản cho người thân, đặc biệt sống tại nước ngoài, người dân cần gọi điện xác thực để tránh lừa đảo.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/gia-bac-si-de-ban-thuoc-thu-loi-bat-chinh-75-ty-dong-post1450613.html