Giá bất động sản Nghệ An tăng mạnh sau sáp nhập, cảnh giác 'sốt đất ảo'

Nhiều tháng gần đây tại nhiều địa phương ở Nghệ An xuất hiện tình trạng thổi giá, tạo cơn sốt bất động sản ảo. Đáng chú ý, cơn 'sốt' lần này không xuất phát từ yếu tố kinh tế hay phát triển hạ tầng, mà chủ yếu do thông tin sáp nhập đơn vị hành chính.

Đua nhau thổi giá

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, thông tin sáp nhập tỉnh đẩy giá bất động sản nhiều nơi nóng hầm hập. Chỉ trong thời gian rất ngắn, giá đất tăng 15 - 20%, thậm chí nhiều nơi tăng đến trên 30%.

Trong vai một nhà đầu tư có nhu cầu mua đất ở huyện Yên Thành để đón đầu thị trường, nhất là đón đầu sáp nhập. Sau một hồi rong ruổi khắp nơi, chúng tôi ghé vào xã Bảo Thành, nơi được giới đầu tư bất động sản gọi là "điểm nóng bỏng tay".

Khu vực đất ở phường Hưng Đông đang "nóng" lên do thông tin sáp nhập.

Khu vực đất ở phường Hưng Đông đang "nóng" lên do thông tin sáp nhập.

Xã Bảo Thành được cho là trung tâm hành chính mới của cụm 5 xã gồm Long Thành, Viên Thành, Vĩnh Thành, Sơn Thành và Bảo Thành sau sáp nhập.

Tấp vào một quán cà phê cũng là nơi tập hợp của các môi giới, cò đất trong khu vực, chưa kịp ngồi xuống ghế, chị Lê Thị Hường, một môi giới bất động sản chạy đến chèo kéo. "Có lô đất dọc tỉnh lộ ở Bảo Thành trước chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng, giờ đã lên 1,6 - 1,7 tỷ đồng. Các lô ven quốc lộ 7 tăng khoảng 200 triệu đồng/lô, lên mức 3,5 - 3,8 tỷ đồng", chị Hường vừa nói với chúng tôi vừa liên tục nghe điện thoại.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Thành cho biết, phần lớn các thông tin đang lan truyền là do giới đầu cơ lợi dụng để "thổi giá". "Trên thực tế, cơ sở hạ tầng của xã chưa có sự thay đổi gì đáng kể. Nhà đầu tư nên tỉnh táo và cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền", ông Nguyễn Hữu Chung nói.

Tại xã Bắc Thành, đất nền ven quốc lộ 7B đang có dấu hiệu "sốt nhẹ", khi mức giá vọt từ 150 đến 200 triệu đồng/lô chỉ trong thời gian ngắn. Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tranh thủ "gom hàng" chờ ngày giá tiếp tục leo thang.

Cách đó không xa, ở xã Diễn Hải (huyện Diễn Châu), giá đất nền cũng đang phi nước đại. Đầu tháng 4, một lô đất mặt trục chính được rao bán khoảng 2,5 tỷ đồng, nay đã "nhảy" lên mức 3 tỷ đồng.

Làn sóng tăng giá cũng bắt đầu lan tới huyện Nghĩa Đàn. Những vùng từng "trầm lặng" như xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm giờ cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Đơn cử tại Nghĩa Lâm, đất nền đã tăng từ 2,2 tỷ đồng lên 2,5 tỷ đồng/lô chỉ sau vài tuần.

Sôi động giao dịch đất nền những ngày vừa qua ở Nghệ An.

Sôi động giao dịch đất nền những ngày vừa qua ở Nghệ An.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng "ăn theo sóng". Tại các dự án khu đô thị ở xã Ngọc Bích (huyện Diễn Châu), giá đất vẫn "giậm chân tại chỗ" ở mức 18 - 20 triệu đồng/m². Một số xã không nằm trong vùng quy hoạch, không sát nhập, thị trường thậm chí còn "đứng hình", giao dịch nhỏ giọt.

Riêng tại phường Hưng Đông (TP Vinh), giá đất cũng ghi nhận có tăng lên. Một lô đất diện tích 80m² nằm ở rìa phường được hét giá trên 2 tỷ đồng, dù mức khởi điểm trong đợt đấu giá chỉ 12 triệu đồng/m².

Theo lãnh đạo UBND phường Hưng Đông, từ năm 2021 đến giữa 2024, địa phương tổ chức đấu giá hơn 200 lô đất ở. Thế nhưng, đến nay tỷ lệ giao dịch thành công vẫn chưa tới một nửa. So với giá khởi điểm ban đầu, mức biến động không nhiều, trái ngược với những lời đồn thổi gây "sốt ảo" trên thị trường.

Coi chừng "mắc kẹt" trong đất

Theo các chuyên gia,thời gian gần đây, lợi dụng thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, kích thích nhu cầu mua bất động sản.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng.

Thị trường bất động sản ở nhiều địa phương Nghệ An đang ghi nhận hiện tượng đất nền tăng giá.

Thị trường bất động sản ở nhiều địa phương Nghệ An đang ghi nhận hiện tượng đất nền tăng giá.

Ở những nơi có kế hoạch triển khai quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách "thu hút" người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn.

Để thị trường phát triển theo hướng minh bạch và bền vững, tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên các cơn "sốt ảo", cần có sự đồng hành, phối hợp sát sao của tất cả các bên liên quan.

Theo ông Bùi Thái Thọ, Trưởng Phòng Bổ trợ, Sở Tư Pháp Nghệ An, do việc đấu giá quyền sử dụng đất đặc biệt đấu giá để giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân từ ngày 1/8/2024 theo Luật đất đai mới... đến nay chưa có triển khai được cho nên là nguồn cung về bất động sản sử dụng vào mục đích ở cũng không có nhiều nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường.

Còn theo Luật sư Nguyên Quôc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Nghệ An, khi nguồn cung ít nhà đầu tư và người mua lại kích cầu nó cao thì nó sẽ tăng lên như nhiều đợt sóng trước đây, nhưng sau đó có hiện tượng bong bóng.

"Đợt này sóng mới bắt đầu lên thôi, nhà đầu tư, người dân cần thận trọng cân nhắc trước khi bỏ tiền ra đầu tư", ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, luật sư Khánh cảnh báo nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước "cơn sốt ảo", bởi những cơn sốt đất theo tin đồn thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá "kỳ vọng", đã bị đẩy lên quá cao.

Song Hoàng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/gia-bat-dong-san-nghe-an-tang-manh-sau-sap-nhap-canh-giac-sot-dat-ao-17225042407530436.htm