Giá Bitcoin lao dốc, thợ đào tiền ảo đối mặt khó khăn chồng chất
Giá trị đồng Bitcoin lao dốc không phanh trong bối cảnh tiền điện tăng cao khiến nhà đầu tư phải chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm vượt khó.
Năm ngoái, khi giá Bitcoin tăng cao tới 68.000 USD, các thợ đào tiền ảo đã thu được lợi nhuận khổng lồ. Khi đó, nhiều người quyết định mở rộng hoạt động mạnh mẽ, chuẩn bị cho một thị trường năm 2022 thậm chí còn sôi động hơn.
Bất ngờ, sóng gió đã ập đến. Vài tháng qua, thị trường tiền điện tử đã trượt dốc không phanh với giá Bitcoin dao động ở mức 30.630 USD. Cùng đó, giá điện trên toàn thế giới tăng vọt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.
Đó là một vấn đề lớn đối với các thợ đào Bitcoin, vốn sử dụng loại máy tính tiêu tốn nhiều điện để đào tiền điện tử (gọi tắt là ASIC).
"Năng lượng có thể chiếm tới 90%-95% tổng chi phí của một thợ đào Bitcoin" - ông Valery Vavilov, Giám đốc điều hành (CEO) hãng đào tiền điện tử Bitfury ở châu Âu, từng chia sẻ.
Ông Daniel Jogg, CEO của Enerhash - một công ty điều hành trung tâm dữ liệu Blockchain, khẳng định hiện một số khu vực ở châu Âu chứng kiến giá năng lượng tăng chóng mặt. "Chi phí năng lượng để khai thác một Bitcoin có khi tốn tới 25.000 USD. Việc khai thác Bitcoin hiện gần như không có lợi nhuận" - CEO của Enerhash tiết lộ.
"Do ngày càng có nhiều thợ đào Bitcoin tham gia vào mạng lưới kể từ mùa hè năm ngoái, điều này làm giảm sản lượng của từng thợ khai thác Bitcoin. Tóm lại, những người khai thác đang trả nhiều tiền hơn nhưng khai thác được ít Bitcoin hơn và đồng Bitcoin của họ cũng ít giá trị hơn" - người phụ trách Công ty khai thác tiền điện tử Luxor Mining cho biết.
Thực tế, các thợ đào tiền Bitcoin toàn cầu đều đang bị giảm lợi nhuận, ngay cả khi sử dụng các giàn khai thác tiên tiến nhất.
"Nếu tình hình không được cải thiện, có thể sẽ gây ra sự bất ổn đối với lĩnh vực khai thác Bitcoin toàn thế giới" - trang Wired nhận định.
Trong hai năm trước khi khủng hoảng xảy ra, các thợ đào Bitcoin đã tranh nhau mua ASIC để kiếm thêm Bitcoin. Tuy nhiên, hiện tại giá trị của các ASIC giảm xuống thấp hơn hẳn mức khi đồng Bitcoin đạt đỉnh, vì giá ASIC thường tương quan với giá của Bitcoin.
Ông Charlie Schumacher, người phát ngôn của Marathon, một trong những công ty khai thác tiền điện tử lớn nhất nước Mỹ , cho biết họ sẽ chuyển sang "mô hình tài sản chung". Mô hình này có sự hợp tác với các dịch vụ lưu trữ thay vì xây dựng các giàn khai thác tiền điện tử của riêng mình, bảo vệ công ty khỏi các vấn đề mà ngành đang gặp phải.
Theo giới quan sát, thợ đào Bitcoin chủ yếu vay tiền để mua ASIC. Chuyên gia Jurica Bulovic, người đứng đầu bộ phận khai thác tại Công ty đào tiền ảo Foundry, nhận định: "Gánh nặng vay nợ đó cùng với sự sụt giảm của giá Bitcoin và giá năng lượng đắt đỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các công ty".
Câu hỏi đặt ra là liệu vòng xoáy đó có bắt đầu khiến những tổ chức cho vay lo lắng hay không. Trong hai năm thịnh vượng vừa qua, một số công ty khai thác tiền điện tử đã vay tiền dựa trên dự trữ Bitcoin của họ. Họ thậm chí ký kết hợp đồng "vay nợ được bảo đảm bằng thiết bị", trong đó khoản vay được thế chấp bằng chính các giàn khai thác tiền điện tử.
Hiện tại, giá của cả Bitcoin và ASIC đều đi xuống, tài sản thế chấp đó đã mất giá trị.
"Nếu những người khai thác không còn khả năng trả nợ, thì khó khăn có thể truyền sang các bộ phận khác của ngành. Ví dụ, những tổ chức cho vay sẽ bị ảnh hưởng nặng về doanh thu khi giá trị của tài sản thế chấp đã giảm xuống" - chuyên gia Bulovic nhấn mạnh.