Giá Bitcoin trượt dài
Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và có khả năng đẩy lạm phát lên cao. Điều này tạo sức ép lớn lên thị trường tiền mã hóa vốn đang dễ tổn thương.
Ngày 28/11 (theo giờ Việt Nam), thị trường tiền mã hóa đỏ lửa do mối lo ngại bao trùm các thị trường toàn cầu. Nguyên nhân là những bất ổn xoay quanh các chính sách chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin lao dốc một mạch từ gần 16.600 USD/đồng xuống dưới 16.100 USD/đồng, rồi phục hồi phần nào về 16.200 USD/đồng, đánh dấu mức giảm 2,15% so với 24 giờ trước đó.
Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - giảm 3,81% sau một ngày về 1.169 USD/đồng. Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, BNB, XRP và Dogecoin thậm chí còn ghi nhận mức giảm mạnh hơn.
Vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm 2,67% xuống 818 tỷ USD. 2.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chỉ trong vòng một năm.
Lo ngại về lạm phát và lãi suất
Ngày 27/11, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục. Theo New York Times, ít nhất 49 thành phố của Trung Quốc, nơi sinh sống của khoảng 1/3 dân số, đang bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn.
Những siêu đô thị Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Trùng Khánh gần đây đều thắt chặt hạn chế.
Đó sẽ là thách thức đối với cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu và buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất
Ông Hayden Hughes, Giám đốc điều hành của nền tảng Alpha Impact
Dù đã điều chỉnh lại các chính sách phản ứng với đại dịch nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế - xã hội, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới còn theo đuổi chiến lược Zero-Covid.
Nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt để chống dịch.
Theo bà Katrina Ell - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, việc Trung Quốc quyết liệt theo đuổi chiến lược Zero-Covid sẽ là trở ngại đối với đà phục hồi của nhu cầu trong nước.
"Các thị trường cũng lo ngại rằng tình trạng bất ổn ở Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Hayden Hughes, Giám đốc điều hành của nền tảng Alpha Impact, bình luận.
Đó sẽ là thách thức đối với cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu và buộc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất.
Giai đoạn dễ tổn thương
Trong vòng một năm qua, giá Bitcoin đã biến động cùng chiều với thị trường chứng khoán, thay vì hoạt động như một loại "vàng kỹ thuật số".
So với mức kỷ lục hồi cuối năm ngoái, giá Bitcoin đã lao dốc 76,44%.
Kể từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Kể từ đầu tháng đến nay, giá Bitcoin đã giảm khoảng 21%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6. Sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đang đè nặng lên toàn bộ ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Công ty từng được định giá 32 tỷ USD nhưng đã phá sản chỉ trong vỏn vẹn vài ngày. Ông John Toro - Trưởng bộ phận giao dịch tại sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số Independent Reserve - cảnh báo "rủi ro lan tỏa" đang gia tăng.
Ngày 11/11, FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó.
Sàn giao dịch tiền mã hóa rơi vào khủng hoảng vì sử dụng tiền gửi của khách hàng sai mục đích. Khi người dùng rút tiền ồ ạt, sàn không còn tiền mặt và phải dừng giao dịch. Trước đó, FTX bị Binance từ chối mua lại.
"Bức tranh của thị trường tiền mã hóa ngày càng tệ hại. Bởi những hậu quả từ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đang được phơi bày", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
"Giá Bitcoin hiện trong tình thế rất dễ tổn thương", vị chuyên gia nhận định. Ông cảnh báo giá sẽ còn sụt giảm hơn nữa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-bitcoin-truot-dai-post1379859.html