Giá bún, phở, miến... 'chạy' theo giá gạo
Giá lúa gạo tăng đột biến đã đẩy giá các sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở, mì, bánh tráng,... tăng theo.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính tới ngày 10/8, giá gạo trong nước tiếp tục đà tăng mạnh so với đầu tháng 8, mức tăng dao động từ 10%. So với 1 tháng trước, giá gạo trong nước đã tăng 27% - 30%. Đây là mức tăng rất cao.
Điều này đã tác động trực tiếp đến các sản phẩm được chế biến từ gạo như bún, phở, mì,... Các cửa hàng bán lẻ cho rằng, giá thực phẩm tăng là điều không thể tránh khỏi khi nguyên liệu đầu vào là gạo đã tăng đột biến.
Theo khảo sát của PV tại các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP Hà Nội, giá các loại bún, phở, mì tươi và khô,... đã đồng loạt tăng từ 10%-15%.
Cụ thể, giá bún tươi từ 10.000 đồng/kg tăng lên 13.000 đồng -14.000 đồng/kg, bánh phở tươi từ 11.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, bánh cuốn từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Giá bún khô tăng từ 30.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg thêm 3.000 đồng/kg; giá miến đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, lên 25.000 đồng/kg (sợi nhỏ) và 26.000 đồng/kg (sợi lớn).
Riêng các loại bột gạo tẻ, gạo nếp, bột mì đã tăng lên 25% - 30% so với giá niêm yết cách đây 2 tháng.
Chị Hoàng Minh - tiểu thương bán bún, phở, gạo tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trên thực tế mức giá các mặt hàng được chế biến từ gạo đã tăng sau kỳ điều chỉnh giá gạo từ đầu tháng 8.
“Tôi choáng váng với giá gạo khi mặt hàng này liên tục tăng mạnh. Giá cao khiến tôi không dám nhập nhiều như trước đây, người tiêu dùng cũng e dè khi xuống tiền nên doanh thu trong một tháng vừa qua chỉ bằng một nửa so với những tháng trước” - chị Minh chia sẻ.
Tại cơ sở chế biến bún, miến khô ở Quảng Xương (Thanh Hóa), giá đổ sỉ lẻ cho các thương lái cũng đã tăng từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg, tùy loại. Giá gạo tăng kéo theo các chi phí đầu vào đều tăng nên việc giá bún, miến “té nước theo mưa” là điều không thể tránh khỏi
Anh Thanh, chủ cơ sở chế biến cho biết, giá gạo tăng cao gây khó cho việc sản xuất và phân phối sản phẩm. Việc tăng giá bún, miến chỉ là phương án tạm thời để giúp doanh nghiệp cầm cự trong thời gian khó khăn. Nếu giữ giá tăng lâu dài, sản phẩm sẽ khó tiêu thụ, người tiêu dùng dễ quay lưng với doanh nghiệp.
“Giá gạo hiện nay chưa đạt “đỉnh” và vẫn có thể tăng trong thời gian tới nên trước mắt, cơ sở chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm tối đa hóa chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, cố gắng kìm giá không tăng thêm” - anh Thịnh chia sẻ.
Dù giá gạo tăng cao nhưng bà Lê Thị Hữu - chủ cơ sở sản xuất bún, phở, bánh tráng tại Thường Tín (Hà Nội) chấp nhận kìm giá, không tăng thêm. Bà Hữu cho biết, dù chi phí đầu vào tăng nhưng vẫn duy trì ở mức có lãi ít, chưa đến mức lỗ.
Tuy nhiên, nếu giá gạo tăng cao hơn nữa trong thời gian sắp tới, bà Hữu sẽ cân nhắc đến việc tăng giá sản phẩm.
Không chỉ các chợ truyền thống, nhiều cửa hàng, quán cơm, bún, miến, phở tại TP Hà Nội cũng đã điều chỉnh giá bán theo hướng tăng vài nghìn đồng mỗi phần ăn.
Anh Tô Văn Thịnh, chủ quán phở tại quận Đống Đa cũng buộc phải tăng giá phở thêm 2.000 đồng/tô do chi chí đầu vào tăng cao.
Anh Thịnh cho biết, đây là lần tăng giá đầu tiên trong 2 năm trở lại dù trước đó, không ít đợt giá xăng dầu cũng như các nguyên liệu khác tăng mạnh.
“Dù tăng thêm 2.000 đồng/tô nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý khách hàng, đặc biệt là các khách quen. Tôi cũng đã niêm yết giá trước cửa hàng, đồng thời trao đổi với khách để họ thông cảm, tránh việc mất khách quen vì tăng giá đột ngột” - anh Thịnh cho hay.
Bài và ảnh: Nguyễn Linh
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-bun-pho-mien-chay-theo-gia-gao-post260499.html