Kinh tế toàn cầu tăng trưởng song hành với thách thức

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ổn định và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối diện với nhiều thách thức.

Cảng Seattle ở bang Washington, Mỹ. Ảnh: Sounder Bruce

Cảng Seattle ở bang Washington, Mỹ. Ảnh: Sounder Bruce

Sự lo lắng của thị trường tài chính

Báo cáo mới nhất của IMF cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 được dự báo đạt mức 3,1%, thấp hơn giai đoạn trước đại dịch Covid-19 nhưng vẫn giữ được sự ổn định trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn đang điều chỉnh chính sách để thích nghi với thực tế mới.

Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc IMF nhận định, kinh tế Mỹ đang diễn biến khá tốt so với dự kiến, mặc dù có sự bất ổn lớn liên quan đến chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Điều này đang làm gia tăng những trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu và đẩy lãi suất dài hạn lên cao.

Với việc lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu cho thấy, thị trường lao động ổn định, Fed có thể chờ thêm dữ liệu trước khi thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo.

Theo bà Georgieva, chính sách của chính quyền mới tại Mỹ luôn thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Bởi Mỹ là nền kinh tế lớn và có vai trò quan trọng toàn cầu. Các chính sách về thuế quan, thuế, bãi bỏ quy định của Chính phủ Mỹ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới.

Ông Donald Trump dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Trên thực tế những ngày này, sự không chắc chắn về chính sách thương mại của chính phủ mới của Mỹ đang tạo ra những rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, những quốc gia và khu vực có kinh tế phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nền kinh tế có quy mô trung bình và châu Á là những nơi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bà Georgieva nhấn mạnh, sự bất thường của việc lãi suất dài hạn tăng lên, trong khi lãi suất ngắn hạn giảm cho thấy sự bất ổn và lo lắng của thị trường tài chính về các chính sách kinh tế sắp tới.

Theo nhận định của IMF, có những sự khác biệt về xu hướng ở những khu vực khác nhau. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng trưởng chững lại; Ấn Độ “giảm tốc”; Brazil có thể lạm phát cao hơn... Riêng với Trung Quốc, 2 vấn đề chính đối với nền kinh tế này là áp lực giảm phát và nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu. Trung Quốc có thể đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, các nước có thu nhập thấp đã có những nỗ lực cải cách, song vẫn ở trong tình trạng dễ bị tổn thương.

Nhận định của IMF cũng chỉ ra rằng, việc tăng lãi suất để chống lạm phát đã không gây ra suy thoái toàn cầu, nhưng sự khác biệt trong diễn biến lạm phát đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải cẩn trọng và theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế ở từng địa phương.

Khuyến nghị của IMF cho biết, đồng USD mạnh có thể làm tăng chi phí vay nợ cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp. Từ đó, các quốc gia cần giảm chi tiêu sau đại dịch Covid-19 và thực hiện các cải cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này có thể được thực hiện mà không tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Những dấu hiệu khả quan

Theo giới quan sát, thông tin được bà Kristalina Georgieva công bố là dấu hiệu đầu tiên trong năm 2025 về việc IMF đang thay đổi quan điểm về kinh tế thế giới, nhưng những thay đổi này vẫn chưa được thể hiện rõ qua các con số cụ thể.

Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Qatar (QNB) đưa ra dự báo lạc quan rằng, mức tăng trưởng toàn cầu đạt 3,2% nhờ những lực đẩy tích cực từ các chính sách nới lỏng tiền tệ và sự phục hồi kinh tế tại các khu vực trọng điểm như Mỹ, châu Âu và châu Á. Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong năm 2025, tạo điều kiện để tín dụng trở nên rẻ hơn, khuyến khích đầu tư và tiêu dùng.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng dự kiến giảm lãi suất đáng kể, lên tới 150 điểm cơ bản, giúp hạ chi phí tài chính và hỗ trợ nền kinh tế châu Âu sau thời gian dài đối mặt với tăng trưởng trì trệ.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, các chính sách tiền tệ nới lỏng này không chỉ có tác động nội bộ, mà còn mang lại lợi ích cho các thị trường mới nổi. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế phụ thuộc vào vốn đầu tư và sự ổn định của thương mại quốc tế được dự báo sẽ hưởng lợi đáng kể.

Mặc dù bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2025 có nhiều “gam màu sáng”, song vẫn còn nhiều thách thức đe dọa sự ổn định và tăng trưởng bền vững của nhiều quốc gia. Năm 2025 được dự báo là cột mốc quan trọng đối với kinh tế toàn cầu, khi các quốc gia không chỉ cần khai thác tối đa những cơ hội tăng trưởng, mà còn phải tích cực đối mặt với các rủi ro tiềm tàng.

Trước thách thức, cần sự phối hợp hiệu quả giữa các chính sách kinh tế vĩ mô và nỗ lực chung của các khu vực. Cùng với đó, một trong những yếu tố quyết định việc duy trì ổn định và thúc đẩy phát triển là khai thác những động lực mới từ đầu tư và tiêu dùng. Đồng thời phải có những chính sách linh hoạt nhằm ứng phó với thách thức, đây sẽ là nền tảng để bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.

Trong tuần trước, Liên hợp quốc công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới 2025. Nội dung trong đó, mặc dù lạm phát giảm, điều kiện thị trường lao động được cải thiện và việc nới lỏng tiền tệ nói chung, tăng trưởng dự kiến vẫn ở mức thấp hơn tốc độ trước đại dịch Covid-19, trong khi nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với những bất ổn đáng kể.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được duy trì ở mức 2,8% trong năm 2025, không đổi so với năm 2024. Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,9% vào năm 2026.

Mặc dù tiếp tục tăng trưởng, kinh tế toàn cầu dự báo tăng chậm hơn so với mức trung bình 3,2% trong giai đoạn 2010 - 2019 (khoảng thời gian trước đại dịch Covid-19). Tăng trưởng giảm tốc phản ánh những khó khăn của cơ cấu kinh tế thế giới như đầu tư yếu, năng suất giảm, nợ công tăng cao và áp lực về nhân khẩu học.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kinh-te-toan-cau-tang-truong-song-hanh-voi-thach-thuc-post485751.html