Giá cà phê hôm nay 11/7: Robusta giảm 3 ngày liên tục, Arabica bất ngờ bật tăng
Giá cà phê trong nước ngày 11/7 giảm nhẹ theo đà đi xuống của thị trường thế giới, với Robusta mất gần 150 USD/tấn do nguồn cung dồi dào từ Brazil và Việt Nam. Trong khi đó, giá Arabica trên sàn New York bật tăng trở lại sau thông tin Mỹ dự kiến áp thuế nhập khẩu lên tới 50% đối với cà phê Brazil từ tháng 8 tới.
Giá cà phê hôm nay ngày 11/7 tại thị trường trong nước

Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 11/7/2025 tại thị trường trong nước (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)
Giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên giảm nhẹ so với hôm qua. Giá giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 92.600 đồng/kg. Cụ thể:
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk (mới) giảm 1.200 đồng/kg đạt 92.600 đồng/kg.
Tương tự, giá cà phê hôm nay tại tỉnh Lâm Đồng (mới) giảm 1.000 đồng/kg, đạt 92.300 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Gia Lai (mới) giảm 1.100 đồng/kg so với hôm qua, đạt 92.500 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông (cũ, nay sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng) giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua, đạt 92.600 đồng/kg.
Lưu ý: Các mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Giá cà phê hôm nay ngày 11/7/2025 tại thị trường thế giới
Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê thế giới giảm mạnh trên 2 sàn giao dịch lớn. Cụ thể:
Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2025 giảm 150USD, hiện ở mức 3.320 USD/tấn, giao tháng 9/2025 giảm 136USD, ở mức 3.274 USD/tấn.
Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2025 tăng 3,75 cent/lb, hiện ở mức 287,80 cent/lb, giao tháng 9/2025 giảm 3,05 cent/lb, ở mức 282,10 cent/lb.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta ghi nhận mức giảm sâu trong phiên giao dịch hôm nay. Cụ thể, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2025 trên sàn London giảm khoảng 150 USD/tấn (tương đương giảm 4,3%), hiện giao dịch quanh mức 3.320 USD/tấn. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của mặt hàng này, cho thấy áp lực nguồn cung từ các nước sản xuất chủ lực như Brazil và Việt Nam đang tác động mạnh đến thị trường.
Ngược lại, giá Arabica trên sàn New York lại ghi nhận nhịp tăng nhẹ. Giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9 hiện đang giao dịch ở mức 288 cents/pound, tăng khoảng 1,5% so với phiên liền trước.
Theo các chuyên gia, diễn biến giá cà phê hiện nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố mang tính toàn cầu. Thứ nhất là vấn đề nguồn cung dồi dào từ các nước xuất khẩu chính. Cả Brazil và Việt Nam đều đang có mùa vụ thu hoạch thuận lợi, sản lượng dự báo tăng, trong khi tồn kho trên sàn London cũng được duy trì ở mức cao.
Thứ hai, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Brazil là nhân tố khiến thị trường Arabica tăng mạnh trong vài phiên gần đây. Nếu Mỹ chính thức áp thuế 50% lên cà phê nhập khẩu từ Brazil, dự kiến bắt đầu từ 1/8 thì nguồn cung Arabica có thể bị gián đoạn, làm giá tăng mạnh.
Theo ông Giuseppe Lavazza, Chủ tịch danh dự của Tập đoàn Lavazza (top 7 hãng rang xay cà phê lớn nhất thế giới) cho rằng: "Có đến 80% mức tăng giá cà phê trong thời gian qua đến từ hoạt động đầu cơ trên thị trường hàng hóa".
Ông mô tả những biến động này là hoàn toàn không bền vững, đối với cả ngành công nghiệp lẫn người tiêu dùng. Việc giá cà phê tăng mạnh không phản ánh đúng quan hệ cung cầu thực tế, mà bị thao túng bởi các quỹ tài chính và các nhà đầu cơ lớn, khiến các doanh nghiệp rang xay và nhà bán lẻ gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch thu mua và định giá sản phẩm.
Trong ngắn hạn, giá Robusta có thể tiếp tục chịu áp lực giảm do nguồn cung vẫn đang tăng mạnh từ vụ mùa mới. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất hiện các tín hiệu bất ổn từ phía Brazil, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu, thời tiết xấu hoặc chính sách thuế của Mỹ thì giá có thể đảo chiều nhanh chóng.
Đối với Arabica, các nhà phân tích cho rằng xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới nếu căng thẳng thương mại leo thang. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố mang tính rủi ro cao, phụ thuộc vào diễn biến chính sách của chính phủ Mỹ trong những tuần tới.