Giá cà phê hôm nay 18-12: Robusta rớt mạnh nhưng vẫn giữ mốc 5.000 USD/tấn
Giá cà phê hôm nay giảm nhưng tất cả các kỳ hạn cà phê Robusta đều ở mức hơn 5.000 USD/tấn, ngưỡng để một số người gọi cà phê là hàng xa xỉ
Giá cà phê trong nước hôm nay 18-12 dự kiến sẽ điều chỉnh nhẹ theo giá thế giới, về mức khoảng 124.500 đồng/kg sau khi kết thúc phiên giao dịch trên sàn London (Anh) ở sắc đỏ.
Cụ thể, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 1-2025 giảm 14 USD còn 5216 USD/tấn (131 triệu đồng/tấn); kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025 còn 5168 USD/tấn, khi giảm 35 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 5-2025 còn 5.103 USD/tấn, giảm 37 USD/tấn và kỳ hạn giao hàng tháng 7-2025 còn 5030 USD/tấn, giảm 27 USD/tấn.
Mức giá cà phê 5.000 USD/tấn được một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê xem là "ngưỡng" để gọi cà phê là mặt hàng xa xỉ, bởi giá loại nông sản này đã tăng gấp 3 so với 3 năm trước. Dù vậy, đây lại là cơ hội cho các mặt hàng cà phê tại nhà (hòa tan, rang xay) bởi giá rẻ hơn cà phê tại quán.
Đối với cà phê Arabica trên sàn New York (Mỹ), giá cà phê cũng có 1 phiên giảm nhưng mức giảm dưới 1%. Kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025, giá cà phê Arabica ở mức 7.160 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 40% thị phần. Thế nhưng, xét về nguồn cung của EU, cà phê Việt Nam đóng góp còn ít.
Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, mỗi năm EU nhập khẩu đến 17,4 tỉ USD nhưng cà phê Việt Nam đóng góp chỉ khoảng 1,5 tỉ USD (tức dưới 10%). Đáng chú ý, EU nhập khẩu cà phê chế biến là 9,4 tỉ USD, cà phê nhân (nguyên liệu) 8 tỉ USD trong khi Việt Nam chủ yếu mới xuất khẩu cà phê nhân sang thị trường này.
Riêng năm 2024, do giá cà phê tăng kỷ lục nên 10 tháng của năm, EU đã phải chi hơn 1,72 tỉ USD nhập khẩu cà phê Việt Nam, khối lượng 445.000 tấn tăng 16% về giá trị nhưng giảm 26% về khối lượng so với cùng kỳ 2023.
Theo ông Trần Văn Công, tăng trưởng thị trường cà phê EU được dự báo khoảng 4%/năm cho giai đoạn 2024-2029 nhưng yêu cầu cà phê có chứng nhận bền vững, cà phê chất lượng cao và gần nhất là cà phê đáp ứng yêu cầu không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Tại hội nghị cà phê quốc tế tổ chức tại TP HCM đầu tháng 12 vừa qua, nhiều diễn giả cho biết việc chuẩn bị cho EUDR trước mắt đang khiến chi phí sản xuất cà phê tăng lên. Dù vậy, so với các đối thủ, cà phê Việt Nam có sự chủ động thích ứng và có lợi thế hơn bởi rất ít rủi ro sản phẩm liên quan đến phá rừng.