Giá cà phê hôm nay 25/3/2024: Giá cà phê thế giới tăng mạnh tuần qua, trong nước có thể vẫn đi lên, xuất khẩu sang Indonesia tăng ba con số

Dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023-2024 giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xu hướng nông dân chuyển đổi sang trồng các cây mang lại lợi nhuận cao hơn. Dù sản lượng giảm, nhưng do giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu 2024 sẽ lên khoảng 4,5 - 5 tỷ USD, theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Viocofa).

Giá cà phê hôm nay 25/3/2024

Giá cà phê thế giới tính chung cho cả tuần qua vẫn tăng, cho dù cuối tuần là phiên điều chỉnh giảm.

Tính chung cả tuần qua, giá cà phê robusta có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen, các mức tăng đáng kể. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 50 USD (tức tăng 1,51%), lên 3.358 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 53 USD (1,65%), lên 3.264 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Giá cà phê arabica có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen, các mức tăng đáng kể. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 2,10 Cent (tức tăng 1,15%), lên ở 185,05 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tất cả 2,55 Cent (1,40%), lên ở 184,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Trong tuần, các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa tăng mua đã giúp giá cà phê robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam thiết lập mức cao kỷ lục mọi thời đại. Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng 1.600 - 1.800 đồng/kg trong tuần qua. Hiện mốc giá kỷ lục 95.000 đồng/kg vẫn đang được giữ ở Đắk Nông.

Báo cáo về dữ liệu tồn kho ICE trên cả hai sàn cho thấy đang được bổ sung mạnh mẽ. Giá cà phê arabica tăng lên mức cao 8 tháng rưỡi là 586.077 bao, thoát khỏi mức thấp 24 năm được báo cáo hồi đầu tháng 10/2023. robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần khi đăng ký ở 29.280 tấn, chủ yếu là cà phê Conilon robusta của Brazil.

Trong khi đó, tồn kho cà phê robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến ngày 22/3 đã tăng 2.030 tấn, tức tăng 7,45% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 29.280 tấn, (khoảng 488.000 bao, bao 60 kg), mức tăng khá mạnh, đã góp phần khiến giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng giảm.

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (23/3) giảm nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Coffeeam)

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (23/3) giảm nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Coffeeam)

Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch cuối tuần (ngày 22/3), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 27 USD, giao dịch tại 3.358 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 giảm 24 USD giao dịch tại 3.264 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 giảm 0,85 Cent, giao dịch tại 184,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2024 giảm 0,65 Cent, giao dịch tại 184,00 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần qua (23/3) giảm nhẹ 200 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.

Đơn vị tính: VND/kg.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Cuối tuần qua, đồng USD tăng đã dìm hầu hết các thị trường hàng hóa nói chung vào vùng sắc đỏ, hai thị trường cà phê kỳ hạn cũng không ngoại lệ.

Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê robusta, trong nửa đầu tháng 3 đã đạt 199.719 tấn (khoảng 3,32 triệu bao), tăng 119,47% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu cao này đã bác bỏ đồn đoán nông dân Việt Nam găm hàng, không muốn bán ra ở mức giá hiện tại.

Theo Reuters đưa tin, nguồn cung thấp trong khi nhu cầu cao đã khiến giá cà phê robusta nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam sẽ sớm đạt mức cao kỷ lục 100.000 đồng/kg.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Indonesia ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên đến ba con số trong hai tháng đầu năm.

Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 21.300 tấn cà phê sang Indonesia, thu về 71,37 triệu USD, tương đương tăng 215% về lượng và 235% về trị giá so với cùng kỳ.

Indonesia cũng là nước sản xuất cà phê lớn trong khu vực, tuy nhiên trong vài năm gần đây, sản lượng của nước này bị ảnh hưởng do nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo Reuters, các vùng trồng tại đây từng đối mặt thời tiết bất thường với lượng mưa lớn kỷ lục do ảnh hưởng của La Nina từ năm 2020-2022. Năm ngoái, họ tiếp tục chịu đựng đợt hạn hán khắc nghiệt do ảnh hưởng của El Nino.

Tác động kéo dài của thời tiết bất lợi khiến vụ thu hoạch cà phê năm nay ở Indonesia được dự báo ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm 2,2 triệu bao so với niên vụ trước, xuống còn 9,7 triệu bao. Chủ yếu là do sản lượng robusta giảm 2,1 triệu bao xuống còn 8,4 triệu bao.

Mưa quá nhiều trong giai đoạn phát triển của trái cà phê đã làm giảm sản lượng ở các vùng đất thấp của Nam Sumatra và Java, nơi chiếm khoảng 75% diện tích robusta của Indonesia. Sản lượng cà phê arabica cũng được dự báo giảm nhẹ xuống 1,3 triệu bao.

Với dự báo này, xuất khẩu cà phê nhân của Indonesia dự kiến giảm 2,7 triệu bao xuống chỉ còn 5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-2532024-gia-ca-phe-the-gioi-tang-manh-tuan-qua-trong-nuoc-co-the-van-di-len-xuat-khau-sang-indonesia-tang-ba-con-so-265362.html