Giá cà phê tăng liên tục, lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Từ đầu năm tới nay giá cà phê tăng liên tục. Khi giá tăng nông dân được hưởng lợi nhưng, tăng quá thì có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Xuất khẩu tăng, giá tăng
Tại hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD" do báo Người Lao Động tổ chức chiều 30/3, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA)- đã thông tin về bức tranh hiện nay của ngành cà phê Việt Nam.
Ông Hải cho biết, theo số liệu thống kê quý I/2024 dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD tăng 3,1% về số lượng xuất khẩu nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị. Cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu tuy có tăng nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp (kim ngạch chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước).
Bên cạnh xuất khẩu tăng, theo ông Hải tại nội địa giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước tới nay và hiện là 102.000 đồng/kg. Do giá cà phê tăng quá có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng. “Từ việc người nông dân không bán cho nhà xuất khẩu mà bán cho đại lý, thương lái dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng”- ông Hải nói.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam- cho hay, trong làn sóng giá cà phê tăng cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ. “Nhiều nhà mua hàng cảnh báo nếu doanh nghiệp xuất khẩu không giao hàng đúng hạn thì họ tìm nguồn cung khác”- ông Nam cảnh báo.
Thực tế, theo ông Nam, cà phê Việt Nam không thể thay thế được, bản thân công ty Intimex đã thử mua cà phê từ nước khác về làm cà phê hòa tan nhưng không thể ra được vị của cà phê hòa tan Việt Nam, thị trường thế giới không chấp nhận. Trong khi đó, cà phê Việt Nam đang là sản phẩm không thể thay thế ở thị trường châu Âu. Dù vậy, chúng ta vẫn cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững.
“Giá cà phê tăng nông dân được hưởng lợi nhưng câu chuyện không chỉ năm nay mà còn năm sau và những năm sau tiếp theo, ngành của chúng ta sẽ gặp khó khăn nếu không đáp ứng được các hợp đồng xuất khẩu. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chứ không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu”- Thạc sĩ Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê nêu quan điểm.
Cần chiến lược bài bản
Thông tin tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định, với giá hiện nay, không cần bàn giải pháp gì nữa ngành cà phê cũng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD. Dù vậy, giải pháp cho ngành cà phê phát triển bền vững là cần thiết. Bởi, mới đây EU đã đưa ra luật chống phá rừng đối với một số sản phẩm nông nghiệp.
Do vậy, để đảm bảo chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển bền vững cho ngành cà phê, ông Nguyễn Nam Hải cho biết VICOFA đã kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát lại diện tích cà phê và các cây công nghiệp dài ngày thực tế hiện nay một cách tương đối chính xác. Bên cạnh đó, VICOFA cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối để triển khai lộ trình thực hiện quy định của EU về chống phá rừng và gây suy thoái rừng, có hướng dẫn cụ thể lộ trình cho các địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Liên quan đến các vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho biết: Việt Nam có 9 triệu ha canh tác nông nghiệp, trong đó có 4 triệu ha dành cho cây cà phê và nhiều cây trồng khác. Khi giá cà phê chưa lên 100.000 đồng/kg thì cả nước có 714.000 ha cà phê, đến nay giá cà phê tăng lên 100.000 đồng/kg, diện tích trồng cà phê chỉ còn khoảng 660.000 ha.
Theo ông Tùng, điểm đặc biệt của Việt Nam là có đến 1 triệu hộ trồng tham gia sản xuất trên 660.000 ha cà phê nhưng sự kết nối giữa các chủ thể trồng cà phê còn rời rạc. “Trong nhiều năm, chúng ta đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê nhưng chưa đủ mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo sự phát triển của yêu cầu trong nước và thế giới”- ông Tùng đánh giá và cho biết, giải pháp sắp tới không phải là vấn đề kỹ thuật, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, chế biến mà làm cách nào người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia để thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Và, bài học của cà phê không chỉ cho cây cà phê mà cho nhiều cây trồng khác.