Giá cám tăng – người chăn nuôi gặp khó

Tính từ thời điểm tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp 15 lần. Chỉ tính sáu tháng đầu năm 2022, mặt hàng này đã liên tục tăng sáu lần, thấp nhất là 300 đồng/kg, cao nhất là hơn 1.300 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ lâm vào nguy cơ bỏ 'trắng chuồng'.

Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp khiến các hộ chăn nuôi bị động trong sản xuất khi các doanh nghiệp tăng giá bán

Sắp xếp gọn xong hơn trăm bao cám DeHues dành cho lợn thịt vừa mua từ đại lý về, ông Nguyễn Xuân Hiệp, ở khu 6, xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh buồn rầu tâm sự: Từ đầu năm đến giờ, hết xăng dầu rồi cám cứ tăng. Với lần tăng này, tính ra cứ mỗi tháng giá thức ăn lại tăng một lần, người chăn nuôi nhỏ như chúng tôi không có lãi, thậm chí thua lỗ, khó mà cầm cự được. Có lẽ xuất hết lứa lợn này gia đình tôi phải dừng nuôi.

Theo thông báo của một số hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi, từ ngày 6/7/2022 , nhiều loại cám dành cho gia súc, gia cầm, thủy sản tiếp tục tăng giá. Ví dụ Công ty TNHH Emivest Feedmill tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn đậm đặc và thức ăn cho lợn con; 300 đồng/kg đối với các loại khác. Công ty Green Feed cũng thông báo tăng đồng loạt 400 đồng/kg đối với tất cả các loại cám dành cho gia súc, gia cầm. Hàng loạt công ty khác như Cổ phần thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, CJ Vina Agri, DeHues… cũng đồng loạt thông báo tăng giá từ 300 – 400 đồng/kg đối với tất cả các mã thức ăn chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong từ cuối năm 2020 đến nay khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Với mức giá tăng như trên, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức 350.000–400.000 đồng/bao 25kg, thậm chí một số loại cám dành cho lợn con, gà con tăng lên đến 510.000 đồng/bao 25kg; tăng khoảng 100.000 đồng so với thời điểm đầu năm và tăng gần 50% so với thời điểm cuối năm 2020 (mức giá từ 200.000–230.000 đồng/bao).

Theo thông báo của các công ty, tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu liên tục tăng. Cuộc xung đột giữa Ukraine – Nga khiến cho nguồn cung ngô, đậu tương, lúa mì giảm mạnh. Các nước như Ấn độ, Argentina, Braxin cũng hạn chế việc xuất khẩu nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, trung bình mỗi năm nước ta phải nhập khẩu tới trên 65% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tức là khoảng 10 triệu tấn ngô, trên 5 triệu tấn khô dầu, đậu tương…trị giá khoảng 10 tỉ USD/năm.

Để tránh phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi cần đẩy mạnh việc tìm các nguồn thức ăn trong nước, phụ phẩm nông nghiệp, liên kiết với nông dân để có vùng trồng nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn hữu cơ ở địa phương.

Hiện nay, giá lợn hơi đang ở dao động ở mức từ 58.000-62.000 đồng/kg. Ở mức giá này, người chăn nuôi chỉ có lãi rất thấp, nhất là người chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu ở mức hòa vốn. Ông Trần Quốc Hùng ở xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, chủ trang trại nuôi lợn cho biết: Giá lợn hơi phải đạt trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới đủ hòa vốn. Phải ở mức 65.000đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi chút ít, khoảng 400.000 đồng /100kg lợn hơi. Những hộ có lãi chủ yếu là các trang trại nuôi gia công, các trại có sẵn lợn nái, không phải mua lợn con do giảm được chi phí con giống. Nhưng nếu không đầu tư nuôi bây giờ thì khi giá lợn tăng lại không có lợn thương phẩm để bán.

Để tháo gỡ một phần khó khăn cho người chăn nuôi, Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bộ NNPTNT đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng tăng giá đột biến gây thiệt hại cho người sản xuất. Đồng thời, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi; trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nhất là khả năng giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa “hạ nhiệt trong thời gian tới”.

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/gia-cam-tang--nguoi-chan-nuoi-gap-kho/185392.htm