Gia cảnh khó khăn, nữ sinh từ bỏ ước mơ bác sĩ

Gia cảnh khó khăn, Đoàn Thị Nhung, học sinh lớp 12 Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) đành chọn hướng đi khác thay vì theo học trường y mà em ấp ủ bấy lâu.

Nữ sinh Đoàn Thị Nhung dự định sẽ bỏ ước mơ ngành y, để theo học một trường khác vì gia cảnh khó khăn.

Nữ sinh Đoàn Thị Nhung dự định sẽ bỏ ước mơ ngành y, để theo học một trường khác vì gia cảnh khó khăn.

Gia cảnh khó khăn

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng suốt 12 năm học, Nhung luôn là HS giỏi và tiên tiến. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nhung đạt 27,4 điểm các môn khối B (Toán 9,4; Hóa 8,75; Sinh 9,25).

Với số điểm này, em có thể đủ điểm vào trường đại học y, thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Thế nhưng, do hoàn cảnh khó khăn, lo bố mẹ không có tiền cho em theo học, nữ sinh này đành từ bỏ mong ước của mình.

Nhung cho biết: Khi biết có thể đỗ vào trường ĐH Y, em và bố mẹ đều vui. Thế nhưng, nghĩ đến chặng đường phía trước, Nhung phải lập kế hoạch chuyển hướng sang một trường ĐH khác, để vẫn được đi học lại giảm gánh nặng cho cha mẹ.

Ngôi nhà của gia đình Nhung nằm sâu trong ngõ cụt ở thôn Thượng Đình 1 (Quảng Định, Quảng Xương) là nơi ở của 5 người. Ngoài bố mẹ, Nhung còn có anh trai đang đi bộ đội và một em trai học lớp 8. Cả gia đình sống trong căn nhà lợp mái tôn chật hẹp xây trên phần đất ông cha để lại.

Bố Nhung - ông Đoàn Văn Vũ (40 tuổi) và mẹ Hà Thị Tuyết (43 tuổi), nuôi ba con ăn học, với 1 sào đất trồng lúa và thuê 3 sào đất trồng thuốc lào. Hằng ngày, ông Vũ, bà Tuyết bám vào đồng ruộng, nhưng cũng chẳng đủ ăn. Vì thế, ông Vũ phải đi làm thuê, từ việc cấy lúa đến phụ hồ, khoan cắt bê tông…, ai có nhu cầu ông đều nhận làm.

Từ đầu năm đến nay, do ở quê không có việc làm, ông Vũ ra tận tỉnh Bắc Ninh làm thuê. Tháng nào có việc, ông kiếm được 4 - 5 triệu đồng, nhưng có tháng cũng chỉ được 2 - 3 triệu đồng.

“Vài năm trở lại đây, mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào bố Vũ. Vì mẹ Tuyết bị đau ốm triền miên do bệnh thoái hóa xương khớp, đau dạ dày. Gia đình em nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm nay, địa phương đã cắt hộ nghèo của gia đình em và được nâng lên ở mức hộ cận nghèo”, Nhung kể.

Sẽ bảo lưu kết quả để đi làm

Em Đoàn Thị Nhung bên cạnh bà nội của mình.

Em Đoàn Thị Nhung bên cạnh bà nội của mình.

Hôm nhận được tin con gái đạt điểm cao, ông Vũ bắt xe từ Bắc Ninh về, để động viên và chuẩn bị cho con vào ĐH. Dù biết rằng, con gái chăm ngoan, học giỏi, nhưng trong lòng cha mẹ vô cùng lo lắng. Bởi lẽ, ước mơ của Nhung là học trường y để trở thành bác sĩ sau này, nhưng lấy đâu ra kinh phí cho những năm theo học?

Vậy là, một kế hoạch “bất đắc dĩ” đã được Nhung cùng bố mẹ vạch ra và thống nhất thực hiện: Nhung từ bỏ học ngành y như ước muốn, vì thời gian học y khoa kéo dài, tốn kém tiền bạc.

Nhung chọn học ngành Kinh tế đầu tư tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Và sau khi kết thúc năm thứ nhất, khi đủ điều kiện bảo lưu kết quả, Nhung sẽ xin nghỉ học, để đi làm thuê ở Hà Nội. Khi nào tích cóp được tiền, em tiếp tục đi học lại để đỡ gánh nặng cho bố mẹ.

“Con gái xin tranh thủ đi làm thuê, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, vợ chồng tôi không cho đi, vì sợ cháu ốm thì khổ. Dù khó khăn đến mấy, tôi cũng cố gắng làm lụng để kiếm tiền cho cháu theo học. Hơn nữa, con bé là đứa học khá tốt, sau này chắc sẽ có việc làm, có lương thôi. Bây giờ, con quyết định chọn trường khác, là bậc cha, mẹ chúng tôi tôn trọng ý kiến của con”, ông Vũ tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Hải - GV chủ nhiệm của Nhung cho biết: Nhung là học trò ngoan, dù gia cảnh khó khăn nhưng nỗ lực học tập. “Chỉ mong sao em có thể tiếp tục theo học trọn vẹn ĐH, để có công ăn việc làm ổn định giúp đỡ gia đình”, cô Hải nói.

Thầy Lê Văn Dỵ - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, cho hay: Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng không vì thế mà Nhung lơ là trong học tập. Bạn bè, thầy cô luôn thấy sự cố gắng của em. Mong em luôn giữ được phong độ trong học tập, có kế hoạch học phù hợp hoàn cảnh để đạt ước mơ của mình, chia sẻ gánh nặng cùng cha mẹ.

Cũng theo thầy Dỵ, biết Nhung có hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng nhà trường cũng không thể giúp đỡ hơn được.

“Nhà trường chỉ có một phần quà nhỏ dành để động viên, khích lệ những HS có điểm xét ĐH từ 27 điểm trở lên. Còn vấn đề, làm sao để em có cơ hội được theo học ĐH, thực sự khó khăn. Chúng tôi mong mỏi các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện chung tay, góp sức để cùng nâng bước giúp Nhung đạt được ước mơ của mình”, thầy Dỵ chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/gia-canh-kho-khan-nu-sinh-tu-bo-uoc-mo-bac-si-P6PxspOMg.html