Gia cảnh khốn khó của người phụ nữ chăm mẹ bị bệnh nặng

Chị Lò Thị Mái phải vay mượn người quen mới có chút tiền đưa mẹ vượt quãng đường hơn 500km từ Điện Biên xuống Hà Nội chữa bệnh.

Chị Lò Thị Mái đưa mẹ là bà Lò Thị Pâng xuống Hà Nội chữa bệnh sỏi thận cách đây hơn một tháng. Thời điểm vượt qua quãng đường dài từ bản Na Phát, xã Na Sơn của tỉnh Điện Biên tới Hà Nội cũng là lúc chị chỉ còn vài trăm nghìn đồng. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của người thân, chị mới cầm cự đến ngày hôm nay.

Bà Pâng sinh được 6 người con, chị Mái là con thứ 5. Chị và 4 người anh em khác đều đã lập gia đình. Còn em trai út năm nay 25 tuổi ở với bố mẹ. Nhưng người em này không may bị vấn đề về tâm lý, trí tuệ phát triển không bình thường, mọi quá trình sinh hoạt, ăn ở đều phụ thuộc vào bố mẹ. Em chị nhiều lần không kiểm soát được hành động đánh cả bà Pâng.

Chị Mái luôn bên cạnh bà Pâng từ ngày bà nhập viện.

Chị Mái luôn bên cạnh bà Pâng từ ngày bà nhập viện.

Một ngày tháng 3/2016, một lần đi làm đồng về, bà Pâng đột nhiên chóng mặt, mệt mỏi, đau lưng dữ dội, tiểu ra máu rồi ngất lịm đi. Bà được các con đưa vào bệnh viện huyện để thăm khám. Các bác sĩ chẩn đoán bà bị sỏi thận nặng, cần phải phẫu thuật gấp.

Nghe tin mẹ mắc bệnh nặng, cần phải mổ sớm, nếu không bệnh sẽ ngày càng trầm trọng, chị Mái cùng 4 anh chị đều lo lắng. Biết các con còn khó khăn và không muốn các con phải chịu cảnh ngược xuôi đi vay mượn, bà Pâng xin bác sĩ về nhà tự điều trị bằng lá thuốc.

Năm năm, căn bệnh của bà càng nặng thêm. Tần suất những cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều khiến bà không thể trụ vững mà ngất đi, tỉnh lại không biết bao lần.

Chị Mái quyết định đưa mẹ xuống Hà Nội điều trị. Chị xin nhận ở lại trông mẹ, còn các anh chị ở nhà vay tiền gửi xuống để hai mẹ con trang trải. Để tiết kiệm tiền, chị Mái và bà Pâng ăn chung suất cơm bụi 25.000 và trông chờ vào những đợt cháo từ thiện của bệnh viện. Nói là ăn chung nhưng hầu như chị chỉ ăn tạm ít rau và uống nước canh cho no bụng. Có hôm không còn tiền, chị Mái nhường cho mẹ suất cháo còn mình thì uống nước chờ cho đến ngày hôm sau.

Căn bệnh sỏi thận nặng khiến bà Pâng gầy đi nhiều, da thâm đen.

Căn bệnh sỏi thận nặng khiến bà Pâng gầy đi nhiều, da thâm đen.

Tai họa liên tiếp đổ xuống gia đình chị Mái. Trong một lần làm thuê ở bản, bố đẻ chị không may bị máy cán gần nát cả bàn tay, sức khỏe giảm sút, khả năng lao động không còn. Chưa kịp hoàn hồn thì bà nội của chị năm nay hơn 80 tuổi lại bị tai nạn, hôn mê sâu không hẹn ngày tỉnh. Tai họa cứ thế rơi xuống đầu người con gái mới bước sang tuổi 27 tuổi.

“Bác sĩ nói, bà nội tôi (mẹ chồng bà Pâng) không thể qua khỏi. Chúng tôi giấu mẹ biết chuyện này vì sợ bà không chịu nổi cú sốc đó. Bác sĩ nói bà nội tôi không thể cứu chữa được nữa. Mấy ngày nay, bố tôi cùng họ hàng bên nội đang chuẩn bị lo hậu sự cho cụ. Lực bất tòng tâm, tôi phải ở đây chăm mẹ nhưng trong lòng lúc nào cũng như lửa đốt", chị Mái nói.

Theo bác sĩ Ngô Đậu Quyền, khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bà Pâng bị sỏi thận nặng, thận 2 bên ứ nước, sỏi thận của bà kích thước quá lớn nên bắt buộc phải phẫu thuật.

"Trước đây những trường hợp như bà Pâng đều phải mổ mở, gây nhiều đau đớn và thời gian phục hồi cũng tương đối dài. Nhưng vài năm gần đây, chúng tôi đều lựa chọn phương pháp ít xâm lấn cho bệnh nhân là tán sỏi qua da.

Hiện bệnh nhân đã được phẫu thuật một bên thận trái, kết quả khá tốt. Còn thận bên phải dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý cho bệnh nhân. Nếu thành công, bệnh nhân có thể ra viện sớm và thậm chí có thể lao động bình thường sau từ 3 đến 4 tuần”, bác sĩ Quyền nói.

Dù mới 27 tuổi, nhưng chị Mái nếm trải đủ những nỗi đau.

Dù mới 27 tuổi, nhưng chị Mái nếm trải đủ những nỗi đau.

Vẻ vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt của chị Mái khi nghe tin mẹ mình được cứu. Nhưng điều quan trọng nhất với chị lúc này là làm sao để có tiền cho mẹ được phẫu thuật. Từ ngày xuống đây, chị và gia đình phải vay mượn khắp nơi mới được số tiền hơn 50 triệu. Giờ tiền hết, ăn còn chẳng đủ, chị chẳng biết vay ai.

Gia đình chị Mái thuộc diện rất khó khăn. Chị lấy chồng năm 18 tuổi. Anh chị sinh được 2 người con trai, một bé đang học lớp 1, một bé hơn 3 tuổi. Cuộc sống gia đình chị quanh năm phụ thuộc vào mấy sào ruộng vô cùng vất vả. Mùa vụ năm được năm không, đủ thì cả nhà đỡ đói, còn thiếu vợ chồng chị lại phải thay nhau đi làm thêm để lo bữa ăn cho các con.

Chị Mái kể, mỗi lần gọi điện xuống, cả hai con đều hỏi sức khỏe của bà và mong bà sớm về. Mỗi lần như vậy, chị Mái lại khóc. May mắn là thời điểm yếu đuối nhất chị vẫn luôn có người chồng bên cạnh động viên, chia sẻ.

“Mỗi lúc chồng và các con gọi điện thoại xuống là tôi lại ứa nước mắt. Tôi chỉ mong sao có tiền cho mẹ sớm chạy chữa để về bên con cháu”, chị Mái nói.

Trên giường bệnh, bà Pâng tỏ ra khá mệt mỏi sau những ngày dài chiến đấu với bệnh tật. Bà rơm rớm nước mắt vì thương con. Trong thâm tâm bà luôn mong được khỏe lại, được về nhà với chồng, với con, nhưng mong ước đó đang ngày càng xa vời.

Mọi đóng góp xin liên hệ:

Chị Lò Thị Mái – Con bệnh nhân Lò Thị Pâng (57 tuổi).

Địa chỉ: bản Na Phát, xã Na Sơn, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

SĐT: 0347205300

Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

Phòng 248 Nhà C3 SĐT: 024.32668625, liên hệ số máy lẻ 585

Tài khoản Quỹ từ thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Số tài khoản VNĐ: 12210002100700

Tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Hà Thành

Nội dung: Ủng hộ MS 1766 hoặc Ủng hộ bệnh nhân Lò Thị Pâng.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-canh-khon-kho-cua-nguoi-phu-nu-cham-me-bi-benh-nang-ar607646.html