Già cậy ai?

Trong xã hội hiện đại, không ít người già băn khoăn với câu hỏi 'già cậy ai' vì thiếu sự đồng cảm, thấu hiểu của con cái.

Hải Dương có tốc độ già hóa dân số nhanh (ảnh minh họa)

Hải Dương có tốc độ già hóa dân số nhanh (ảnh minh họa)

Tục ngữ có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, có ý nghĩa khi còn bé, con cái thường được cha mẹ chăm sóc, nuôi nấng, bảo vệ, còn khi về già, con cái là nơi để cha mẹ nương tựa. Ấy vậy mà trong xã hội hiện đại "già cậy ai" lại là câu hỏi và băn khoăn của không ít người cao tuổi.

Nhắc đến câu tục ngữ này vì nhớ đến chuyện của gia đình bạn tôi. Cả tuần nay họ đôn đáo tìm người giúp việc chăm sóc người già. Gia đình có hai anh em. Em gái lấy chồng ở TP Hồ Chí Minh còn vợ chồng bạn lại chuẩn bị có chuyến công tác dài ngày tại Đức. Các cháu đi học xa nhà nên không có người trông nom mẹ già gần 90 tuổi.

Không bố mẹ nào muốn khi về già phải rời xa con cháu. Bởi niềm vui trong mỗi gia đình là điểm tựa tâm lý lớn lao đối với họ khi bước vào tuổi xế chiều. Con cái ở chung, phụng dưỡng bố mẹ cũng là trách nhiệm, giúp gắn kết tình thân. Thế nhưng không ít gia đình vì hoàn cảnh mà khó có thể chung sống với bố mẹ già. Nguyên nhân có thể do từ chính sự khác biệt thế hệ dẫn đến những bất đồng trong đời sống từ sinh hoạt, sở thích cá nhân cho đến quan điểm nuôi dạy con cái.

Những gia đình có nhu cầu thuê người chăm sóc cha mẹ khi về già giờ không hiếm. Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta bận rộn hơn và việc chăm sóc cha mẹ khi về già nhiều khi trở thành việc khó. Ở không ít gia đình, sự khác biệt thế hệ cũng khiến người già cô đơn ngay trong chính gia đình của mình.

Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi trên 65 chiếm 7% tổng số dân. Sau 10 năm, số người cao tuổi chiếm 8,3% tổng, tức 8,16 triệu người. Dự báo, con số này sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039; 25,2 triệu người vào năm 2069. Như vậy, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già bắt đầu từ năm 2036, khi tỷ trọng nhóm dân số từ trên 65 tuổi đạt 14% tổng số dân.

Đặc biệt khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu ngày càng giảm, từ 79,7% vào năm 1993 xuống còn 28,4% năm 2017. Mặc dù chưa có một khảo sát nào tiếp theo nhưng thực tế tỷ lệ này đang tiếp tục giảm trong những năm gần đây.

Hải Dương cũng đang có tốc độ già hóa dân số nhanh. Năm 2009, tỷ lệ người cao tuổi trong tỉnh chiếm 11,5%, năm 2019 tăng lên 15,5% và tính đến hết năm 2023 là 16,8%. Dự báo đến năm 2050, Hải Dương sẽ bước vào giai đoạn "dân số siêu già".

Các trung tâm hay viện dưỡng lão là những nơi người già đang tìm đến trong cuộc sống hiện đại. Thực tế hiện nay, Hải Dương chưa có một viện dưỡng lão nào dành riêng cho người già. Cả tỉnh mới chỉ có Trung tâm Bảo trợ xã hội cơ sở 2 ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) là nơi nương tựa của những người già nhưng cũng chỉ tiếp nhận những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa... Hải Dương cũng chưa có trung tâm dưỡng lão tư nhân. Vì vậy đến nay, điểm tựa của người già vẫn là gia đình, là các câu lạc bộ, tổ chức dành cho người cao tuổi ở địa phương. Họ cần một tấm "nệm hơi" của Nhà nước nhưng cũng cần sự sẻ chia, đồng cảm của con cái để khi bước vào tuổi xế chiều không phải băn khoăn vì nơi nương tựa.

DƯƠNG LAN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gia-cay-ai-391541.html