Giá chung cư tăng cao: có tiền tỷ vẫn không mua được nhà
Giá nhà chung cư tăng cao một lần nữa lại đẩy ước mơ có được nơi 'an cư' của người dân có thu nhập thấp, thậm chí là trung bình càng xa vời. Giữa lúc các dự án nhà ở xã hội mới chưa có, thì sức tăng phi mã của chung cư lại càng làm khó những hộ gia đình đang vật vã thuê trọ ngoài kia…
Giấc mơ sở hữu nhà
Mới bán căn chung cư có diện tích 56m2 hồi năm 2023, chị Trần Ngọc Bích (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, đã có lúc chị mất ăn mất ngủ vì cầm tiền trong tay. Chị cho biết, thời điểm chị mua căn hộ ấy là năm 2012. “Lúc ấy các dự án nhà ở xã hội nhiều, các chung cư giá rẻ cũng sẵn nên tôi mua căn hộ ấy giá chỉ rơi vào 900 triệu đồng. Đến năm 2022, do không có nhu cầu ở nên đăng bán, hồi ấy bán giá cũng khá tốt mà mãi đến 2023 mới có người hỏi mua” – chị Ngọc Bích nói. Nhưng ngay sau khi bán căn hộ ấy, chỉ sau 1 tháng giá chung cư bắt đầu tăng chóng mặt.
“Lúc bán nhà đã thấy mình bán giá vậy là lãi lắm rồi, bởi so giá lúc mua và lúc bán giá căn hộ ấy đã tăng gần gấp đôi. Chỉ sau 2, 3 tháng, căn hộ tôi bán đã tăng thêm 300 triệu đồng” – chị Ngọc Bích cho biết.
Đã bán hớ, nhưng cầm số tiền bán căn hộ cũ đi tìm kiếm căn hộ mới mới thấy khó như lên trời. Cũng lên giá như căn hộ chị đã bán, giá các căn chung cư khác cũng được đẩy giá lên chóng mặt. “Đến giờ tôi vẫn tiếc, giá như tôi không bán thì vẫn còn là 1 bất động sản mang tên mình. Chứ bán rồi tiền để trong người thì không còn có thể mua bất cứ căn hộ hoặc miếng đất nền nào nữa. Để ở ngân hàng thì lãi suất tiết kiệm thấp. Đúng là mất ăn mất ngủ vì tiền…” – chị Ngọc Bích than thở.
Đã gần như mất hết hy vọng tìm mua được chung cư vừa giá với tài chính của mình thời điểm này, anh Nguyễn Văn Long (quận Cầu Giấy) cho biết, vợ chồng anh tiếp tục chấp nhận thuê nhà để chờ... vận may. “Cộng cả tiền tích cóp của vợ chồng tôi lẫn tiền bên nội, bên ngoại giúp đỡ thì chúng tôi có khoảng 1 tỷ đồng.
Ban đầu cũng tính mua căn hộ tầm 1,5 – 1,7 tỷ đồng để vợ chồng con cái có chỗ an cư. Thế nhưng hơn 1 năm qua, chung cư cứ vùn vụt tăng giá. Như 1 căn hai phòng ngủ ở dự án Hateco nằm trên đường 70 quận Nam Từ Liêm mấy năm trước chỉ có giá 1,4 - 1,5 tỷ đồng, nhưng đến giờ được rao bán với giá 2,4 - 2,6 tỷ đồng” – anh Long nói.
Theo anh, với số tiền 1 tỷ đồng, muốn sở hữu căn hộ trên, vợ chồng anh phải vay ngân hàng từ 1,4 – 1,6 tỷ đồng. “Lãi suất ngân hàng cao, cộng với số tiền vay quá lớn, tính đi tính lại vẫn thấy không khả thi. Không ai đi mua nhà rồi gánh 1 tháng vài chục triệu tiền gốc lẫn lãi. Như thế là quá mạo hiểm trong thời buổi khó khăn này” – anh Long cho biết.
Còn anh Nguyễn Khánh (quận Hai Bà Trưng), một môi giới bất động sản chia sẻ, cuối năm 2022, chị mua căn hộ gần 70m2 tại một chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm với giá 2,6 tỷ đồng. Đến nay, trên thị trường, căn hộ tương tự như của anh đang được giao dịch từ 3,2 - 3,3 tỷ đồng.
Theo anh Khánh, xét ở mục tiêu đầu tư, thời điểm này, anh hoàn toàn có thể chốt lãi. Tuy nhiên, với tình hình giá chung cư tiếp tục tăng cao nên anh vẫn chưa muốn… nhả hàng. “Giá chung cư tăng cao, giá tiền thuê vì thế cũng tăng vùn vụt. Căn hộ tôi đang cho thuê với giá 10 triệu, so với số tiền bỏ ra thì rõ ràng “giữ” tiền thế này có lợi hơn rất nhiều so với việc để tiền “chết” ở ngân hàng” – anh Khánh nói.
Về mặt bằng giá chung cư, anh Khánh cũng thừa nhận, ngoài việc giá chung cư tăng cao do khan hiếm nguồn cung, một phần cũng vì do chính chủ nhà và môi giới bắt tay nhau… đẩy giá. “Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá chung cư ngày càng tăng. Hiện tượng chủ nhà tăng giá như theo phong trào. Kiểu nhà này bán giá cao thì nhà kia cũng không muốn kém.
Đó là chưa tính bởi biết thị trường khan hiếm về nguồn cung, nhiều những dự án vốn hút khách sẽ được môi giới “gửi” thêm 1, 2 giá vào đó khiến giá chung cư càng chất ngất” – anh Khánh nói. Tuy nhiên, theo anh Khánh, việc chủ nhà và môi giới đẩy giá quá cao khiến hầu hết khách đều e ngại, giảm sự quan tâm và từ bỏ ý định mua.
Giải pháp nào kìm hãm giá tăng của chung cư?
Việc khan hiếm nguồn cung và nhu cầu của người dân nhà ở vẫn liên tục tăng cao khiến các căn hộ chung cư “kéo nhau” tăng giá cũng là điều dễ nhận thấy. Theo số liệu của Savills Việt Nam, tại Hà Nội nhu cầu nhà ở vẫn rất cao. Dự báo đến năm 2025, TP có thêm khoảng 157.000 hộ gia đình cần nhà ở. Nhu cầu cao thế, ngược lại, nguồn cung tương lai chỉ bao gồm 59.000 căn hộ các hạng; 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán. Do đó, sẽ thiếu hụt khoảng 70.300 nhà ở.
Xét về tương quan (giai đoạn 2019-2023), mức tăng trung bình thu nhập của người dân Hà Nội là 6%/năm, nhưng mức tăng giá căn hộ là 13%/năm. Còn theo dữ liệu thống kê tháng 1/2024 của chuyên trang Batdongsan.com.vn cho thấy, phân khúc căn hộ chung cư bình dân ở Hà Nội có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2 đã tăng 2% so với tháng 12/2023.
Như vậy, việc giá chung cư tăng cao khiến người dân có thu nhập trung bình càng khó khăn khi muốn sở hữu nhà. Để có thể kéo giảm giá nhà, theo các chuyên gia, khi có nguồn cung đáp ứng đủ cầu thì tự giá thành của chung cư sẽ về chỗ đứng của nó.
Như thế, các cơ quan quản lý cần có cơ chế để “cởi trói”, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng; xem xét các phương án hỗ trợ DN trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng… cho các dự án đang triển khai là một trong những biện pháp để kìm giá chung cư đang trên đà tăng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho DN đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc bình dân; có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại dự án theo hướng chuyển từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.
Dữ liệu mới nhất từ kênh Batdongsan.com.vn cho thấy, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, nhiều người mua, bán và các môi giới bất động sản cũng nhận xét giá chung cư Hà Nội đang "leo thang". Không ít dự án có mức tăng giá trên 20% chỉ sau 1 năm.