Giá của hòa bình
Người phụ nữ ôm lấy tôi và khóc nức nở, chị nói gì đó mà tôi không hiểu, dưới chân chị, hai đứa con cỡ 3 và 5 tuổi ngồi trên mấy chiếc túi chị mang theo, nhìn chúng tôi, không chớp.
Chị ngượng nghịu xỏ đôi găng tôi đưa cho, đôi bàn tay mọng đỏ, sưng tấy, tướp táp. Tôi chắc chị đã đi nhiều ngày không có găng, dưới trời lạnh âm mười, âm năm độ. Tôi cũng chẳng biết vì sao một người dân xứ lạnh như Ukraine lại không có găng, mãi sau khi đã lang thang mấy ngày ở vùng biên giới Ba Lan và Ukraine, tôi mới hiểu.
Chưa bao giờ tôi thấy nhiều đàn bà và trẻ con đi đâu lũ lượt đông đến thế. Hàng trăm người, hàng nghìn người, hầu như là đàn bà và trẻ con, thỉnh thoảng thấy vài người già, vài người đàn ông chủ yếu là Việt Nam hoặc người da màu, người nói tiếng Anh. Cũng phải thôi, đàn ông Ukraine từ 18 đến 60 tuổi đều phải ở lại.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy đến quá bất ngờ. Các nước châu Âu hầu như đều không tin chuyện này có thể xảy ra, đều nghĩ Nga chỉ đe dọa thế thôi. Mỹ cảnh báo thì châu Âu cũng cho rằng nước Mỹ quá nhạy cảm, Nga can thiệp quân sự làm gì khi hoàn toàn có thể giải quyết theo cách khác.
Thế mà không, chiến sự đã xảy ra.
Hơn hai triệu người Ukraine đã nhập cảnh vào châu Âu. Biên giới Ba Lan - từ vùng xa nhất, gần Belarus đến vùng gần Lvov của Ukraine đêm ngày đều lũ lượt người vượt qua cửa khẩu. Người trông rủng rỉnh thì xách một hai cái va-li lớn, người nghèo đôi khi chỉ có đúng hai chiếc túi nylon to (loại túi mua hàng ở các siêu thị), nhiều nhà ôm theo cái túi dứa. Phụ nữ, đa số đều mang theo những chiếc va-li nhỏ loại va-li xách tay, kèm theo một hai đứa trẻ. Nhìn họ đi, tôi không thể hình dung ra họ sẽ làm được gì với gia tài nằm cả trong một hai chiếc va-li be bé, với những đứa con ngơ ngác, có nhà thêm mẹ già, và nắm tiền Hryvnia ngày một xuống giá.
Tôi hầu như không thấy ai khóc, cũng không thấy đứa trẻ nào lèo nhèo kêu ca. Tất cả đều im lặng, không ồn ào, ngơ ngác. Chuyến đi vội vã, sự chấn động tinh thần, tâm trạng buồn bã hay cảm giác bâng khoâng trước một vùng đất lạ nhưng không có tiếng bom đạn đã khiến họ chìm vào im lặng? Tôi không rõ, nhưng rất im lặng.
Chỉ đến khi ai đó lỡ hỏi thăm, thì lúc ấy mới là nước mắt, không thể kìm nén. Cửa khẩu Medyka và Korzowa (là hai cửa khẩu gần thành phố Lvov của Ukraine nhất ) đêm đêm, trong ánh lửa bập bùng được các tình nguyện viên Ba Lan đốt lên để sưởi ấm - là những bóng người ngồi im lặng. Họ quyết không đi vào sâu hơn trong lãnh thổ Ba Lan, ngồi đó để chờ người thân có thể sắp tới, hoặc vẫn đang trên đường chưa biết khi nào tới.
Tại nhà ga trung tâm thị trấn Przemysl cách đó vài chục km, nơi có thể bắt tàu đi Warsava hoặc đi thẳng sang Đức, nhiều người đàn bà trải đệm nằm đã vài ba ngày. Họ lạc anh em, người thân, họ ở đó và chờ đợi. Việc có thể đi Đức để xin được lưu trú hay về Warsava vào các trung tâm đón tiếp đối với họ không có nhiều ý nghĩa, nếu không biết người thân đang ở đâu. Tôi chứng kiến một người đàn bà, trung niên, chị đứng giữa bến tàu, một bên là tàu đi Warsava, một bên là tàu đi Katowice, các tình nguyện viên hỏi chị đi đâu, xách va-li của chị để bỏ lên tàu, người đàn bà cứ lê theo họ, xua tay rối rít. Chỉ đến khi có tình nguyện viên biết tiếng Anh đến hỏi thăm, chị mới òa khóc “chồng và con trai tôi đều đang ở Ukraine, tôi đi đâu thì cũng không có nghĩa, tôi thực lòng không biết đi đâu”.
Tôi chỉ nghe được có thế.
Trong bối cảnh này, đôi lúc chúng ta trở nên đầy mâu thuẫn, vừa muốn căng tai căng mắt để thu nạp hết thông tin, để biết rõ điều gì đang thật sự diễn ra, vừa có ý muốn tránh để không phải nghe, không phải nhìn thấy những điều đau khổ.
Cũng tại ga tàu ấy, tôi đã tự trả lời được câu hỏi tại sao nhiều người đàn bà Ukraine có đôi tay đỏ rực, tướp máu vì cước lạnh, hóa ra những đôi bàn tay ấy cố tuột ra khỏi găng để nắm tay con mình cho chặt. Nhiều người trong số họ đã đi một chặng đường vài ba ngày để đến được Ba Lan, chờ đợi dưới tuyết lạnh, chen lấn tàu xe, đứng trên tàu suốt hơn 20 giờ đồng hồ. Tất nhiên bàn tay ấy không cần ủ ấm, nó cần được cột chặt, ngón đan ngón với những bàn tay bé nhỏ của con để không tuột.
Ký ức những ngày tháng sơ tán chạy bom B52 ùa về trong đầu. Tôi nhớ như in mẹ tôi đã đạp xa hàng trăm km để mua gạo mang lên nơi sơ tán. Tôi nhớ vô cùng rõ cảnh B52 bay ù ù qua Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm 19/12/1972. Tôi cũng nhớ vẻ u sầu thảng thốt của mẹ tôi, sau khi đạp xe đến đầu phố Khâm Thiên rồi lại vội đạp về bảo không thể đi tiếp. Nhưng tôi cũng nhớ mẹ tôi chưa bao giờ khóc. Đêm B52 ném bom, mấy mẹ con nằm trên giường sau khi đã chạy lên chạy xuống hầm đến mệt phờ, bảo nhau thôi cứ nằm đây, chắc không sao. Tôi cũng nhớ cảnh đi sơ tán lê từ Trạng Bùng, sang Tam Nông. Cả dàn nhạc giao hưởng Việt Nam vẫn tập, ngày nào máy bay bay nhiều thì ngừng, ngày nào bình an thì tiếng đàn lại vang.
Tôi thấy rất ít trẻ con trong đám người chạy sơ tán này mè nheo. Dường như chúng biết rõ chuyến đi này là một chuyến đi quan trọng đối với số phận của chúng. Va-li to, va-li nhỏ, túi lớn túi bé chúng đều khuân vác cùng với mẹ, ai cho gì cũng nhận và cất kỹ. Chỉ có nhóm các gia đình Việt Nam là có vẻ ồn ào hơn vì thường đi cùng nhau, trẻ con ngồi chơi vô tư. Cũng phải, cha của chúng, do không phải quốc tịch Ukraine nên được đi cùng gia đình và không phải cầm súng.
Tôi quan sát rất nhiều em bé Ukraine. Hầu như chúng không cười, chúng im lặng và quan sát. Tôi đến một gia đình Việt Nam nơi cưu mạng năm mẹ con của hai gia đình Ukraine. Những đứa trẻ dù được ngủ nhà đẹp, chăn ấm đệm êm, được rủ chơi games, được mời thử đồ ăn Việt, những hầu như chúng chỉ im lặng, bẽn lẽn, cố thu mình càng ít xuất hiện càng tốt. Hỏi chúng vì sao? Chúng bảo nhớ nhà. Hỏi chúng có vui vì được đến Ba Lan không, chúng im, rất lâu sau mới bảo cháu mất hết bạn rồi, không biết bạn ở đâu. Hỏi chúng mong gì, chúng bảo mong hòa bình để còn về nhà. Bà chúng, bố chúng đều đang ở lại bên kia biên giới.
Hòa bình, lâu lắm rồi tôi mới ý thức rõ Hòa bình nghĩa là gì.
Ký ức chạy bom B52 dù vẫn sắc nét trong đầu nhưng đã là ký ức của 50 năm trước. Có lúc tôi còn cho đó là sự giàu có về trải nghiệm của bản thân “tôi biết chiến tranh, biết đói khổ, cuộc sống của tôi thật giàu có”... nhưng khi đối diện với những người đàn bà có ngón tay đỏ mọng và lũ trẻ con âm thầm này tôi mới chợt ngộ ra người ta chỉ có thể nói thế, nghĩ thế khi đã sống sót qua chiến tranh, không có người thân mất mạng vì B52, không phải bỏ lại nhà cửa, ông bà, bạn bè, chồng và cha... để trở thành người đi ở nhờ xứ sở khác.
Lũ trẻ này, có thể sau này cũng sẽ nghĩ như tôi rằng chúng đã có cuộc sống thật giàu có, nhiều trải nghiệm nhưng tôi không chắc. Liệu có bao nhiêu đứa được may mắn mà nghĩ thế.
Lâu lắm rồi, khi tôi nói đến chữ Hòa bình, cảm xúc mới tha thiết làm sao.
Cũng lâu lắm rồi, tôi mới thấy rõ ràng cảm giác may mắn của người được sống ở một xứ sở Hòa bình.
Hòa bình, giá của Hòa bình là bao nhiêu? để người ta có thể đổi cho một thế giới không tiếng súng?
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-quoc-te/gia-cua-hoa-binh-690764/