Giá cước vận chuyển container tuyến Đông Nam Á đi Bắc Mỹ tăng trở lại
Sau khi bất ngờ sụt giảm mạnh vào cuối tuần trước khi thị trường Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài 7 ngày, giá cước vận chuyển container đường biên trên các tuyến Đông Nam Á và Đông Á đi Bắc Mỹ đã tăng trở lại trong tuần này.
Cụ thể, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy tổng chi phí vận chuyển container trong tuần này trên tuyến từ Đông Nam Á đi Bờ Tây Bắc Mỹ đạt 16.000 USD – 19.000 USD/FEU (1 container 40 feet). Trong khi đó, tổng chi phí vận chuyển container trên tuyến từ Đông Nam Á đi Bờ Đông Bắc Mỹ vẫn được giữ ổn định trong khoảng 20.000 USD – 22.500 USD/FEU.
Trước đó, chi phí vận chuyển container từ Đông Nam Á đi Bờ Tây Bắc Mỹ đã đột ngột giảm mạnh còn 11.500 USD/FEU trong bối cảnh các hãng tàu muốn tận dụng tối đa công suất vận chuyển khi nhiều nhà máy xuất khẩu tại Trung Quốc nghỉ lễ kéo dài từ ngày 1/10 – 7/10. Giới phân tích nhận định khi các nhà máy tại nước này quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ thì số đơn hàng vận chuyển hàng hóa sẽ tiếp tục tăng lên cho đến tận dịp Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2/2022.
Dữ liệu của hãng S&P Global Platts cũng cho thấy chi phí vận chuyển container từ Indonesia hiện đang cao hơn so với mặt bằng chung tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tổng chi phí vận chuyển container từ Indonesia đi Bờ Đông Bắc Mỹ hiện đạt 21.550 USD/FEU; trên các tuyến đi Bờ Tây Hoa Kỳ, tổng chi phí đạt 18.550 USD/FEU. Các mức giá này tăng khoảng 2.000 USD/FEU so với hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Chỉ số giá cước Platts Container Rate 1 của hãng S&P Global Platts cho thấy , tổng chi phí hiện vận chuyển từ Bắc Á đi Bắc Châu Âu hiện đạt 17.250 USD/FEU, giảm 250 USD so với mức giá cước trong tuần trước và chạm mức thấp nhất kể từ hồi cuối tháng 8/2021 đến nay.
Tuy nhiên, chỉ số giá cước Platts Container Rate 11 cho thấy tổng chi phí vận chuyển trên tuyến từ Bắc Á đến Châu Âu vẫn giữ ở mức cao 18.500 USD/FEU. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu hụt tài xế khiến việc giải phóng hàng tại các cảng của Anh diễn ra chậm và gây tắc nghẽn trên toàn bộ các chuỗi cung ứng. Điều này sẽ khiến thời gian quay vòng container rỗng trên các tuyến từ Châu Á đến Anh nói riêng và các tuyến vận chuyển khác bị kéo dài.
Một số hãng tư vấn thị trường vận tải biển lớn trên thế giới như Drewry (Anh) và Maritime Strategies International (MSI, Singapore) vừa cảnh báo các chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn cho đến cuối năm sau thay vì kết thúc vào thời điểm Tết Nguyên đán 2022 như các nhận định lạc quan trước đây. Đồng thời, giá cước vận tải đường biển sẽ đi ngang, thiết lập một mặt bằng giá mới thay vì sụt giảm mạnh như các kỳ vọng trước đây.