Giá cước vận tải biển 'làm khó' doanh nghiệp xuất khẩu

Với cước vận tải hàng hóa bằng đường biển tăng 120% trong nửa đầu năm 2024 và chưa có dấu hiệu dừng lại, doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Theo chỉ số World Container Index (WCI) do hãng tư vấn hàng hải hàng đầu thế giới Drewry vừa công bố, giá cước trung bình cho 1 container 40 feet trên 8 tuyến hàng hải chính của thế giới đã tăng từ 2.670 USD lên 5.868 USD từ đầu năm đến nay, tương đương với mức tăng 120% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sự gia tăng này đang khiến chi phí xuất khẩu tăng mạnh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giá cước vận tải bằng đường biển đang “làm khó” doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa : Phúc Sơn - TTXVN

Giá cước vận tải bằng đường biển đang “làm khó” doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh minh họa : Phúc Sơn - TTXVN

Theo báo cáo “Triển vọng Doanh nghiệp” năm 2024 vừa được Ngân hàng UOB (Singapore) thực hiện tại 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực ASEAN và Trung Quốc cho thấy không chỉ chi phí xuất khẩu tăng do chi phí logistics tăng, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí sản xuất tăng do phải tuân thủ các quy định ngày càng chặt chẽ về môi trường và an toàn lao động. Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn chưa được giải quyết tận gốc cũng đang ảnh hưởng mạnh tới các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Vì vậy, để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động chuẩn bị kế hoạch sản xuất và logistics để đảm bảo xử lý đơn hàng đúng hạn; xây dựng uy tín bằng chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng đang được coi là chiến lược bền vững hơn so với cạnh tranh bằng giá.

Ngoài ra, để ứng phó với chi phí vận tải tăng cao, các doanh nghiệp cần xem xét các phương án tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tìm kiếm các đối tác logistics có giá cả cạnh tranh, và cân nhắc việc đàm phán lại các hợp đồng dài hạn để giảm thiểu tác động của việc tăng giá cước vận tải, chuyên gia của UOB khuyến nghị.

Cùng quan điểm này, bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, giải pháp chính là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa; xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách kinh tế, thương mại cần thực hiện đồng bộ và thường xuyên; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và minh bạch.

Cùng đó, phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác là giải pháp cũng cần tập trung thực hiện.

Thanh Cảnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-cuoc-van-tai-bien-lam-kho-doanh-nghiep-xuat-khau/339927.html