Giả danh công an tống tiền nữ nhân viên karaoke gã trai đối diện với bản án nào?

Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng Công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối tượng Nguyễn Văn Hùng, kẻ giả danh công an tống tiền nữ nhân karaoke tại cơ quan công an (Ảnh: CACC)

Đối tượng Nguyễn Văn Hùng, kẻ giả danh công an tống tiền nữ nhân karaoke tại cơ quan công an (Ảnh: CACC)

Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Hùng (SN 1986, trú tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, ngày 17/9, tại một quán karaoke ở TP Thái Bình, Hùng quen một nữ nhân viên phục vụ tên là T.T.L. (SN 1986, trú tại tỉnh Hà Nam). Sau đó, 2 người có thỏa thuận mua bán dâm với giá 2 triệu đồng.

3 ngày sau, Hùng hẹn chị L. sang Nam Định gặp mặt. Hùng tự xưng là cán bộ CA huyện Nam Trực có tên Nguyễn Anh Tuấn, đang thực hiện nhiệm vụ bắt mại dâm và đe dọa chị L. phải chuyển khoản 100 triệu đồng để không bị phạt tù.

Đối tượng còn lấy còng số 8 mua trên mạng đe dọa còng tay chị L.. Bị đe dọa và uy hiếp dồn dập, chị L. đã phải vay mượn người thân được 30 triệu đồng và chuyển khoản cho đối tượng. Số tiền còn lại, đối tượng cho nạn nhân thời hạn 3 ngày để trả nốt.

Nghi ngờ đối tượng giả danh công an, ngày 23/9, chị L. đã làm đơn trình báo CA huyện Nam Trực. Xác định vụ việc nghiêm trọng, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của lực lượng, CA huyện Nam Trực đã khẩn trương xác minh, kiểm chứng tính xác thực của vụ án. Chưa đầy một ngày tập trung điều tra, CA huyện Nam Trực đã xác minh, làm rõ hành vi của đối tượng tình nghi.

Ngày 24/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện Nam Trực đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hùng cùng tang vật gồm: ô tô, còng số 8 và phong tỏa tài khoản của đối tượng để phục vụ điều tra.

Tại cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Văn Hùng khai nhận đã mua còng số 8 trên mạng xã hội để giả danh công an; đồng thời dùng còng số 8 để đe dọa, uy hiếp, cưỡng đoạt tiền của gái mại dâm. Hùng chọn gái mại dâm, nữ nhân viên phục vụ tại quán karaoke, do đặc thù công việc nhạy cảm nên họ thường không trình báo cơ quan chức năng.

Hiện, CA huyện Nam Trực đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội cưỡng đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, tại Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định, còng số 8 (khóa số 8) là một trong những loại công cụ hỗ trợ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy. Cũng theo Luật này, tại khoản 2 Điều 5 quy định, việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt công cụ hỗ trợ là các hành vi bị cấm.

Như vậy, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, căn cứ khoản 4 Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi mạo danh công an là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng Công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người có hành vi giả danh lực lượng Công an có thể bị xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 20, Nghị định 144/2021/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân”.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-danh-cong-an-tong-tien-nu-nhan-vien-karaoke-ga-trai-doi-dien-voi-ban-an-nao-397537.html