Giá đất hiếm tăng gấp 3 lần sau một tháng do động thái của Trung Quốc

Theo Nikkei Asia ngày 3/5, giá kim loại đất hiếm đã đạt mức cao kỷ lục sau vài tuần kể từ khi Trung Quốc hôm 4/4 tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại sản phẩm liên quan đến đất hiếm trung bình và nặng.

Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm trung bình và nặng tác động mạnh đến thị trường quốc tế. Ảnh: Guancha.

Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm trung bình và nặng tác động mạnh đến thị trường quốc tế. Ảnh: Guancha.

Tính đến ngày 1/5, giá Dysprosi ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 4 lên 850 USD/kg. Giá Terbi cũng tăng từ 965 USD lên 3.000 USD/kg. Căn cứ theo dữ liệu tính từ tháng 5/2015 được ghi nhận, cả hai loại này đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng lớn nhất và mức giá cao nhất.

Hôm 4/4, Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục Hải quan nước này đã ban hành thông báo chung về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại sản phẩm đất hiếm trung bình và nặng, bao gồm Samarium, Gadolinium, Terbi, Dysprosi, Luteti, Scandi và Yttri. Việc kiểm soát xuất khẩu đã chính thức được thực hiện kể từ ngày ban hành (4/4).

Kể từ ngày 4/4, các công ty ở Trung Quốc muốn xuất khẩu các khoáng sản này bắt buộc phải có giấy phép đặc biệt. Động thái này được coi là đòn phản công của Bắc Kinh chống lại việc chính quyền Trump áp đặt cái gọi là "thuế quan đối ứng" đối với Trung Quốc.

Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng tức thời và nghiêm trọng nhất. Hôm 13/4, giới truyền thông Mỹ đã công khai thừa nhận các ngành công nghiệp liên quan của Mỹ đã rơi vào tình trạng hoảng loạn vì khủng hoảng đất hiếm.

 Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu 7 loại đất hiếm đã khiến giá một số kim loại này tăng gấp ba lần chỉ sau chưa đầy 1 tháng. Ảnh: CLS.

Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu 7 loại đất hiếm đã khiến giá một số kim loại này tăng gấp ba lần chỉ sau chưa đầy 1 tháng. Ảnh: CLS.

Nikkei Asia chỉ ra rằng kim loại đất hiếm được gọi là "vitamin công nghiệp", có thể nâng cao tính năng của vật liệu cho dù chỉ được bổ sung với lượng nhỏ phụ gia. Do đó, chúng rất cần thiết cho việc sản xuất các sản phẩm tiên tiến như xe điện, động cơ tua bin điện và máy bay. 7 loại nguyên tố mà Trung Quốc hạn chế xuất khẩu được phân loại là đất hiếm trung bình và nặng. Phần lớn nguồn cung cấp đất hiếm trung bình và nặng của thế giới đến từ Trung Quốc. Theo CNN, năm 2023, hơn 90% lượng đất hiếm tinh chế trên thế giới đến từ Trung Quốc.

Ông Takahiro Sato, một nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu công nghiệp của Ngân hàng Mizuho (Nhật), cho biết: "Rất khó có thể sử dụng các vật liệu được sản xuất ở các quốc gia khác để thay thế đất hiếm bị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu”.

Giá đất hiếm nặng tăng cao có tác động trực tiếp đến chi phí của động cơ điện được sử dụng trong xe điện và các sản phẩm khác. Ông Toru Okabe, giáo sư tại Viện Khoa học Công nghiệp thuộc Đại học Tokyo, cho biết: "Tình trạng hạn chế nguồn cung kéo dài có thể khiến việc sản xuất xe điện nói chung trở nên bất khả thi".

Theo Guancha, CLS

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gia-dat-hiem-tang-gap-3-lan-sau-mot-thang-do-dong-thai-cua-trung-quoc-post185180.html