Giá đất nông nghiệp Việt Nam chưa được tính sát thị trường

Khung giá đất nhà nước hiện hành chưa phù hợp, thường chỉ bằng khoảng 20-30% khung giá đất thị trường.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Phát triển các thể chế hỗ trợ thúc đẩy thị trường nông nghiệp ở Việt Nam" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 25-2.

Ông Nguyễn Văn Tốn - Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết quá trình tích tụ, tập trung đất đai ở Việt Nam là tất yếu và khách quan, hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới và khu vực, chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, nhận thức về tập trung ruộng đất ở nước ta còn chưa thống nhất, dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TIẾN THƯỜNG

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TIẾN THƯỜNG

Ông Tốn nêu dẫn chứng về hiện tượng một số dự án tập trung ruộng đất, đáng lý là để phát triển nông nghiệp quy mô lớn nhưng lại lách luật để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành khu đô thị hoặc khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, ở nước ta cũng chưa có khung pháp lý về chính quyền thuê đất của người dân để cho doanh nghiệp (DN) thuê lại. Điều này tạo ra rủi ro cao cho DN khi hộ cho thuê đòi lại đất hoặc xảy ra mâu thuẫn khiếu kiện dẫn đến không thu hút được DN vào đầu tư... Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn khiến tích tụ ruộng đất chậm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá khung giá đất nhà nước hiện nay chưa phù hợp với thị trường, thường chỉ bằng 20%-30% khung giá đất thị trường. Khung giá đất do tỉnh ban hành cũng chỉ bằng 30%-60% giá đất thị trường tại địa phương…. Cạnh đó, việc tính giá đất hiện nay cũng chưa có cơ chế tính giá rõ ràng, minh bạch, dẫn đến nguy cơ tranh chấp, sa lầy trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về thủ tục hành chính thì thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật không thống nhất, chồng chéo, liên quan nhiều cấp. DN và nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không? Từ đó dẫn đến quy trình triển khai dự án bị kéo dài, đình trệ, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với DN.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng - Viện IPSARD, cũng cho rằng hệ thống thông tin thị trường đất đai định giá chưa sát giá thị trường, khó thu thập thông tin chính xác về giá, giao dịch. Thông tin về quy hoạch, quản lý và hiện trạng sử dụng đất chưa cập nhật, minh bạch.

"Hệ thống đăng ký đất đai chưa cập nhật, cơ sở dữ liệu đất đai chưa tích hợp và đồng bộ hóa trên cả nước gây trở ngại cho việc tìm kiếm thông tin" - ông Kiên cho biết.

Để xây dựng các tổ chức/thể chế hỗ trợ phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam, ông Kiên khuyến nghị cần phải hoàn thiện, cập nhật hệ thống đăng ký đất đai, xây dựng hệ thống thông tin thị trường đất nông nghiệp minh bạch, hiện đại hóa.

Đồng thời tăng cường vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất thông qua việc xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo để Tổ chức phát triển quỹ đất hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; thực hiện các chức năng cung cấp thông tin, cân đối cung cầu, kích thích và hoàn thiện thị trường.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng khuyến nghị cần tháo gỡ các rào cản tích tụ đất đai hiện nay như vấn đề hạn điền, biện pháp bảo đảm thực hiện, quá trình góp vốn... Xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp về Luật Đất đai, nghị định về tích tụ đất đai, tăng cường cải cách thủ tục hành chính...

A.HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san/gia-dat-nong-nghiep-viet-nam-chua-duoc-tinh-sat-thi-truong-892112.html